Không chỉ được biết đến là một lễ hội quan trọng dành cho những người sống tại thành phố Cơ Long phía bắc Đài Loan, Lễ hội ma Cơ Long còn được chính phủ Đài Loan công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Đài Loan và là một trong 12 lễ hội lớn ở xứ sở này.
Kéo dài suốt tháng 7 âm lịch, Lễ hội ma Cơ Long là lễ hội nổi tiếng nhất Đài Loan, là sự kết hợp tuyệt vời giữa niềm tin và nghi lễ của Đạo Giáo và Phật Giáo.
Nguồn gốc của lễ hội này có thể bắt nguồn từ một cuộc xung đột gia tộc vào năm 1853 trong thời nhà Thanh, dẫn đến thương vong nặng nề. Cuối cùng, khi thỏa thuận đình chiến được thông qua, 15 gia tộc có ảnh hưởng nhất ở Cơ Long bắt đầu thay phiên nhau tổ chức các buổi gặp gỡ long trọng hàng năm nhằm xoa dịu linh hồn những tổ tiên đã khuất. Năm nay đánh dấu kỷ niệm lần thứ 164 của Lễ hội ma Cơ Long, Hiệp hội Gia tộc họ Lại tổ chức.
Bạn có thể xem video sau đây để biết những điểm nổi bật của Lễ hội ma Cơ Long 2018.
Lễ hội ma Cơ Long thường diễn ra vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm, và rơi vào ngày 25/8 năm nay. Bên cạnh đó là một loạt các nghi lễ truyền thống và lễ hội được tổ chức xuyên suốt tháng 7 âm lịch này, vì theo văn hóa dân gian, tháng này được gọi là “tháng cô hồn”, tương tự như ở Việt Nam.
Những điều đặc sắc nhất của toàn bộ lễ hội sẽ được quy tụ trong một cuộc diễu hành lớn mà tất cả các hội gia tộc và các tổ chức cộng đồng đều tham gia vào tối ngày 24/8. Năm nay, có khoảng 100 nhóm từ 15 hội gia tộc và 11 tổ chức cộng đồng tham gia sự kiện này, cùng với rất nhiều cỗ xe diễu hành bắt mắt.
Trong số đó, đoàn thể lớn nhất là do Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Đài Loan tổ chức. Ngoài một cỗ xe diễu hành lộng lẫy, nhóm còn có một đoàn nhạc diễu hành khoảng 150 thành viên và một đoàn trống eo lưng gồm 70 người.
Ngoài ra, có khoảng 20 cô gái trẻ ăn mặc như những tiên nữ tặng hoa sen giấy đầy màu sắc cho khán giả dọc theo tuyến đường diễu hành.
Điều đặc biệt trong cuộc diễu hành năm nay là người đứng đầu nhóm tổ chức lễ hội trực thuộc Hội Gia tộc Lại chính là Thủ tướng Lại Thanh Đức của Đài Loan.
Thủ tướng được Hội Gia tộc họ Lại thành phố Cơ Long mời tham dự sự kiện này vì ông thuộc cộng đồng gia tộc Lại và được sinh ra trong một làng chài gần thành phố Cơ Long. Đoàn diễu hành dài lướt qua khắp các con đường của thành phố cảng nhỏ này từ 18h cho đến 22h 30.
Ngay sau buổi diễu hành, tất cả những chiếc đèn lồng nước do mỗi hội gia tộc chuẩn bị được đưa đến bờ biển ngoại ô thành phố Cơ Long. Sau đó, chúng được thắp sáng và thả xuống biển.
Hành động này mang hàm ý dẫn lối cho những cô hồn lang thang, các linh hồn của tổ tiên họ cũng như các vị thần khác. Người ta tin rằng chiếc đèn lồng nổi trôi càng xa trước khi tắt, thì các thành viên trong gia tộc đó sẽ gặp nhiều may mắn hơn trong năm tới.
Một điểm nổi bật khác của Lễ hội này là Grand Pudu (Tướng Phổ độ). Nhân vật này thường được đặt trước Bàn thờ chính đã được bày trí trang hoàng bắt mắt tại Công viên Trung Chính, thành phố Cơ Long vào tối 15 âm lịch. Nhiều đồ cúng dường được đặt trên các bàn trước Bàn thờ chính, trong khi một sư thầy thực hiện các nghi lễ truyền thống.
Trên thực tế, Lễ hội Trung Nguyên và tháng cô hồn được người Hoa tổ chức rộng rãi ở nhiều nơi trên thế giới, vì theo truyền thuyết, cổng địa ngục sẽ mở từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của tháng. Do đó, tháng 7 âm lịch đã trở thành khoảng thời gian để người dân làm phúc bố thí cho những cô hồn lang thang cũng như những linh hồn từ cõi chết.
Để đánh dấu lễ hội quan trọng này, các cửa hàng và hộ gia đình Đài Loan thường chuẩn bị nhiều vật phẩm cúng tế trên bàn thờ tạm trước cửa hoặc trong nhà để dâng lên tổ tiên, những người thân đã qua đời cũng như những cô hồn lang thang. Đây còn gọi là nghi thức Trung Nguyên Phổ Độ.
Theo truyền thống Đài Loan, lễ Phổ độ có thể được thực hiện vào bất kỳ ngày nào trong tháng 7 âm lịch. Vì lẽ đó, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh người dân đốt hương và giấy tiền vàng mã trước cửa hàng hoặc trước nhà của họ vào những buổi chiều trong suốt tháng 7 âm lịch.
Bảo San, theo Vision Times