Tinh Hoa

Lazada Việt Nam: Bật “nhanh” nhưng đã nắm chắc chiến thắng?

Ra đời từ năm 2012, chỉ sau 2 năm Lazada Việt Nam đã “leo” nhanh lên vị trí số 1 về doanh thu trên thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn gặp phải những khó khăn và đối mặt với những đối thủ “nặng ký” không thua kém về tiềm lực.

Ảnh minh họa: internet.

Ra đời với khẩu hiệu mạnh mẽ

Tháng 2/2012, Lazada đã có màn ra mắt thị trường thương mại điện tử Việt Nam với khẩu hiệu: “Một click, ngàn tiện ích”. Vào thời điểm ra mắt, Lazada đã được đầu tư với hơn 50.000 mặt hàng trong 12 nhóm ngành hàng, từ điện thoại di động, laptop, đồ gia dụng, mỹ phẩm cho đến thời trang… (tính đến 12/2012).

Lazada là công ty con thuộc Tập đoàn Rocket Internet (Đức) tập trung phát triển theo mô hình B2C (bán lẻ trực tuyến các sản phẩm tới người tiêu dùng), tương tự như con đường mà Amazon đã chọn.

Với sự hậu thuẫn vững chắc của công ty mẹ, cộng thêm kinh nghiệm kinh doanh thành công tại nhiều thị trường Đông Nam Á khó tính như: Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia…, Lazada đặt ngay mục tiêu trở thành website bán lẻ trực tuyến số 1 tại Việt Nam. Tính đến thời điểm 12/2013, các nhà đầu tư bên ngoài đã đóng góp vào Lazada Toàn Cầu ít nhất 486 triệu USD. Riêng trong năm 2013, Rocket Internet đã huy động thành công cho Lazada nguồn vốn 250 triệu USD, chủ yếu đến từ tập đoàn bán lẻ khổng lồ Tesco của Anh.

Theo báo cáo thương mại điện tử cuối năm 2014 của Bộ Công thương, hiện Lazada.vn đang là trang thương mại điện tử số 1 Việt Nam chiếm 36,1%.

 Thị phần doanh thu của top 10 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.

Đối thủ trên thị trường thương mại Việt Nam

Có thể thấy đối thủ của Lazada trên thị tường thương mại điện tử Việt Nam được chia thành 2 nhóm: tên tuổi nội địa ra đời trước năm 2011 (chodientu.vn, vatgia.com, enbac.com, muachung.vn, 123mua.vn,..) và các ông lớn như VinEcom – Adayroi.com, Công ty Sen Đỏ – Sendo.vn,

Sức nóng của các cuộc cạnh tranh giành thị phần trên sàn giao dịch điện tử càng có cơ hội lan toả mạnh hơn khi các “ông lớn” của nước ngoài bắt đầu hiện diện.

Theo đó, đầu năm 2015 chủ đầu tư của trang Sendo.vn công bố thông tin hợp tác đầu tư chiến lược với 3 tập đoàn dịch vụ Internet hàng đầu của Nhật (SBI Holdings, Econtext ASIA, BEENOS). Hay như  tập đoàn VinGroup tung VinEcom vào cuộc với mức vốn điều lệ lên đến 1.000 tỷ đồng và cho ra mắt trang thương mại điện tử Adayroi.com.

Các đối thủ lớn của Lazada tại Việt Nam. Ảnh: internet.

Ở tốp trên các “ông lớn” sử dụng lượng vốn dồi dào để cạnh tranh trên đấu trường thương mại điện tử thì ở tốp dưới lại sử dụng nhiều mô hình kinh doanh trực tuyến: như mua theo nhóm giá rẻ,… hoặc các cuộc lột xác ngoạn mục thu hút vốn ngoại.

Điển hình như Tiki.vn. Tiền thân là một website chuyên kinh doanh sách ngoại văn ra đời từ năm 2010, hiện Tiki đã mở rộng tổng cộng 9 ngành hàng khác nhau và được ví như một “Amazon.com” của Việt Nam. Với số lượng sản phẩm trên website trung bình khoảng 55.000, website này thu hút xấp xỉ 100.000 lượt truy cập mỗi ngày.

Cuối năm ngoái, Tiki vừa gọi thành công vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư Sumitomo (Nhật). Đây là lần gọi vốn thứ hai của Tiki, sau lần rót vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm khác cũng của Nhật là CyberAgent Ventures. Theo báo cáo thương mại điện tử của Bộ Công thương năm 2014, hiện tiki.vn đang chiếm 5,4% thị phần.

Các “ông lớn 1 thời” trên sản thương mại điện tử như vatgia.com hay chodientu.vn cũng luôn tìm cơ hội để thay đổi thế cờ bất lợi hiện tại.

Thách thức của Lazada

Thách thức mà Lazada vấp phải khi vào thị trường Việt Nam chính là thu hút người tiêu dùng và tạo cho họ niềm tin vào việc mua hàng trực tuyến. Việc hàng loạt các website bán hàng trực tuyến lừa đảo khách hàng, bán hàng không đúng mô tả… đã khiến lòng tin của người tiêu dùng vào thương mại điện tử bị sụt giảm nghiêm trọng.

Những lùm xùm xung quanh vụ như một giọt nước làm tràn ly, đẩy người tiêu dùng ra xa hơn với mô hình bán hàng trực tuyến. Lazada cũng không tránh khỏi cơn bão dư luận đó.

Thách thức thứ hai chính là chiến lược của Lazada khi giao tất cả các đơn hàng trên toàn quốc, không kể to hay nhỏ, nhiều hay ít và sẵn sàng chấp nhận rủi ro để kích thích những người còn đang do dự chuyển sang phương thức mua hàng online.

Mỗi khâu giao hàng, Lazada đều thông báo cho khách hàng tình trạng của đơn hàng như đang được đóng gói, đang được di chuyển, sẽ tới nơi trong bao lâu và gọi lại xác nhận…

Tuy nhiên, phương thức giao hàng như vậy dễ dẫn tới tình trạng thất thoát hàng, giảm doanh số… Vì vậy điều Lazada cần làm là tìm 1 đơn vị giao nhận hàng hóa uy tín để đảm bảo lợi ích của chính mình.

Lazada ra mắt dự án Lazada Care – San sẻ yêu thương, thực hiện lần đầu vào dịp trung thu 23/9 vừa qua cho cơ sở nuôi dạy trẻ em mồ côi Diệu Giác, quận 2, tp Hồ Chí Minh. Ảnh: internet.

Cuộc chiến  ở thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ ngày càng khốc liệt. Lazada không thể chỉ dựa vào tiền để thắng trong cuộc chơi này, mà còn cần kinh nghiệm và những “hiểu biết” về thị trường Việt Nam mới có những bước đi khôn ngoan trên thị trường thương mại điện tử.

Theo bizlive.vn