Tân Thường ủy Bộ chính trị Lật Chiến Thư, “tổng quản đại nội” của Tập Cận Bình, sẽ đảm nhận chức vụ Trưởng ủy Ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, vị trí mà Trương Đức Giang từng đảm nhiệm, theo đó sẽ tiếp quản Hồng Kông… Động thái này được cho là 1 mũi tên trúng 3 đích của ông Tập.
Lật Chiến Thư năm nay 67 tuổi, được xem là thân tín và cũng là “tổng quản đại nội” của Tập Cận Bình, hiện tại đang đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ. So với những Thường ủy Bộ chính trị khóa mới khác, Lật Chiến Thư ít được biết đến hơn. Ông kết giao với Tập Cận Bình vào 30 năm trước, có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong đảng, chính, đoàn, tỉnh, nhưng lại không được Trung ương trọng dụng.
Mãi cho đến sau khi ông Tập thượng vị, Lật Chiến Thư năm đó 62 tuổi mới được điều vào trung ương công tác. Sau khi nhậm chức, ông Lật rất được Tập Cận Bình trọng dụng và tín nhiệm, trở thành trợ thủ đắc lực không thể thiếu.
Quan lộ của Lật Chiến Thư không liên quan đến công tác Hồng Kông. Trong thời gian giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, ông cũng rất ít trực tiếp tham gia vào sự vụ Hồng Kông hoặc tiếp kiến nhân sĩ Hồng Kông. Tuy nhiên từ trước đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Lật Chiến Thư sẽ tiếp quản Hồng Kông.
Vào tháng 4, khi Tập Cận Bình hội kiến trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Bắc Kinh, Lật Chiến Thư cũng được bố trí tham gia cuộc gặp, ông được xếp ngồi gần với Tổ trưởng Tiểu tổ Điều phối Công tác Hồng Kông là Trương Đức Giang và Tổ phó Lý Nguyên Triều. Vào thời điểm đó, có phân tích cho rằng Tập Cận Bình có ý định sẽ để Lật Chiến Thư tiếp quản xử lý sự vụ Hồng Kông .
Trước ngày 1/7, ngày tròn 20 năm chủ quyền Hồng Kông được trả về cho Trung Quốc, có tin đồn rằng Lật Chiến Thư từng bí mật đến Hồng Kông, chuẩn bị cho chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập. Sau đó trong chuyến thăm Hồng Kông 3 ngày của ông Tập, Lật Chiến Thư cũng đi cùng.
Có phân tích chỉ ra, từ báo cáo khai mạc Đại hội 19 của ông Tập Cận Bình có thể thấy ông Tập trong nhiệm kỳ kể tiếp sẽ chế độ hóa chiến dịch phòng chống tham nhũng, vì thế sẽ thành lập “Tiểu tổ lãnh đạo trị quốc toàn diện theo pháp luật”, và cũng sẽ thành lập Ủy ban Giám sát quốc gia. Những động thái này đều thực trên danh nghĩa của tổ chức lập pháp – Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc.
Vì thế, nếu Lật Chiến Thư chủ quản Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, thì rất nhiều lực cản cho những cải cách mới của Tập Cận Bình sẽ được giảm bớt.
Ngoài ra, nếu Lật Chiến Thư được phân công quản lý sự vụ Hồng Kông, thì từ những chính sách của Trung ương đối với Hồng Kông mà nói, có ít nhất 3 tầng ý nghĩa, theo đó nó được ví như 1 mũi tên trúng 3 đích của Tập Cận Bình.
Một, Tập Cận Bình trong báo cáo công tác Đại hội 19 đã chỉ ra: “Phải bảo vệ quyền quản chế của Trung ương đối các đặc khu Hồng Kông, Ma Cao kết hợp với việc bảo đảm quyền tự trị cao độ của đặc khu, bảo đảm vững chắc phương châm một quốc gia hai chế độ, giữ vững thể chế một quốc gia hai chế độ trên thực tiễn không bị biến hình”.
Nếu trong 5 năm tới ông Lật Chiến Thư tiếp quản sự vụ Hồng Kông, thì ông Tập hoàn toàn có thể yên tâm rằng những chích sách liên quan đến Hồng Kông có thể được thực hiện một cách đúng đắn, triệt để.
Hai, “trị Hồng Kông theo pháp luật” vẫn là chính sách chủ yếu của trung ương được thực thi đối với xứ cảng thơm. Trong 5 năm vừa qua, chưởng quản Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trương Đức Giang được phân công quản lý sự vụ Hồng Kông. Khi xử lý vấn đề Hồng Kông, Trương Đức Giang bị chỉ trích can thiệp sâu vào việc bầu cử trưởng đặc khu Hồng Kông, đối kháng lại Tập Cận Bình, lợi dụng các thế lực hắc bang gây chia rẽ nhân dân với chính quyền, và là sao gây họa của Hồng Kông.
Thành Báo của Hồng Kông năm 2016 liên tục đăng tin chỉ trích Trương Đức Giang là đầu xỏ gây rối ở Hồng Kông, là nguyên nhân gây khởi phát “cách mạng ô”…, liên tiếp làm cho tình hình Hồng Kông căng thẳng, cùng việc Trương Đức Giang có Giang Trạch Dân ở đằng sau chống lưng.
Trong khi đó, Lật Chiến Thư lại không có mối quan hệ thâm sâu với giới nhân sĩ chính trị Hồng Kông, nên nếu ông trở thành Trưởng phòng sự vụ Hồng Kông, thì điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc cải biến tình trạng hắc bang làm loạn từ thời kỳ Lương Chấn Anh tại Hồng Kông, đồng thời cũng giúp người dân Hồng Kông có quyền tự trị thật sự.
Ba, từ khi Tiểu tổ điều phối công tác Hồng Kông được thành lập vào năm 2003 cho đến nay, đã từng có 3 tổ trưởng và đều là Thường ủy Bộ chính trị kiêm nhiệm, thứ nhất là cựu Phó Chủ tịch nước Tăng Khánh Hồng; thứ hai là nguyên Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Trưởng Ủy Ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội), thứ ba là Trương Đức Giang; trong đó Tăng Khánh Hồng và Trương Đức Giang đều là người của phe cánh Giang Trạch Dân.
Nếu trong 5 năm tới ông Lật Chiến Thư đảm nhiệm chức Tổ trưởng Tiểu tổ điều phối công tác Hồng Kông, thì chắc chắn thế lực của phe Giang tại Hồng Kông sẽ từ suy yếu đi đến biến mất.
Lê Hiếu, theo NTDTV