Trong hơn 20 năm, một lão nông góa vợ ở Ấn Độ phá núi gần nhà để mở đường tới thành phố gần nhất, giúp người dân tới bệnh viện kịp thời trong trường hợp khẩn cấp.
Theo tờ Daily Mail, Dashrath Manjhi, một người dân nghèo ở làng Gehlour ở phía đông bang Bihar, Ấn Độ, quyết định bạt núi sau khi vợ ông, bà Falguni, qua đời vào năm 1959, nguyên nhân vì bà không thể tới bệnh viện kịp thời sau một vụ tai nạn.
Để tới bệnh viện tại thành phố gần nhất, họ phải đi vòng qua một quả núi. Quãng đường mà họ phải vượt qua lên tới 55 km. Sau khi vợ chết, Manjhi không muốn những người dân khác trong làng hứng chịu số phận tương tự nên ông đã quyết định phá đá, đào đất để mở một đường xuyên qua núi từ năm 1960, giảm chiều dài quãng đường từ làng Gehlour tới bệnh viện từ 55 km xuống 40 km. Con đường mà ông mở có chiều dài 110 m và chiều rộng ở một số chỗ lên tới 9 m. Công cụ của ông chỉ bằng búa và đục.
Ketan Mehta, một đạo diễn phim ở Ấn Độ, nói rằng ông không tin khi nghe câu chuyện về Manjhi lần đầu tiên. Sau khi xác thực câu chuyện, ông quyết tâm làm một bộ phim về “lão nông khùng”.
“Tôi đã xem quả núi và con đường mà Manjhi mở. Công việc ông ấy thực hiện thật vĩ đại. Thật không may, chúng ta thường chỉ nhận ra giá trị của một con người khi cá nhân ấy qua đời“, Mehta bình luận.
Vị đạo diễn khẳng định Manjhi – The Mountain Man là phim về tinh thần của con người và sự lớn lao của tình yêu.
“Câu chuyện về Manjhi thật tuyệt vời và đầy cảm xúc. Ông ấy biến điều không tưởng thành sự thật và nỗ lực của ông ấy mang lại lợi ích cho hàng nghìn người dân“, Nawazuddin Siddiqui, một diễn viên điện ảnh Ấn Độ, người đóng vai Manjhi trong phim Manjhi – The Mountain Man, tác phẩm điện ảnh dựa trên câu chuyện thật về ông. Bộ phim ra mắt công chúng hôm 21/8.
“Việc khó nhất là nắm bắt được cái ‘khùng’ của ông. Nỗ lực của ông ấy quá phi thường. Ông ấy xứng đáng là niềm cảm hứng và biểu tượng đối với giới trẻ“, Siddiqui nói với AFP.
Manjhi qua đời vì ung thư bàng quang vào năm 2007, hưởng thọ 73 tuổi. Để ghi nhận công lao của lão nông, chính quyền tổ chức tang lễ cấp bang cho ông.
“Khi tôi bắt đầu phá đá trên núi, nhiều người dân nghĩ rằng tôi điên. Nhưng về sau họ đã nghĩ khác về tôi“, Manjhi từng kể như vậy với giới truyền thông.
Sau khi Manjhi hoàn thành việc làm đường vào năm 1982, chính quyền địa phương cần thêm 3 thập kỷ nữa để biến nó thành đường nhựa.
Những người thân của Manjhi vẫn nghèo. Nhiều quan chức và người nổi tiếng đã thăm họ, hứa sẽ giúp họ thoát nghèo, Times of India đưa tin. Song những người ấy vẫn chưa thực hiện lời hứa.
Để viết kịch bản, Mehta đọc các bài báo về Manjhi, gặp người dân trong làng và các nhà báo địa phương để lấy thông tin. Nhưng ông buộc phải tưởng tượng khi viết về mối quan hệ giữa Manjhi và vợ.
“Chuyện tình của nhân vật chính và vợ là thứ mà chúng tôi phải tự tạo ra“, ông thừa nhận.
Theo Soha