Lực lượng cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai đã bắt giữ và tiêu hủy 8.000 que kem Trung Quốc nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời xử phạt 10 triệu đồng đối với chủ lô hàng kem lậu nói trên.
Trước đó, vào 8h30, ngày 17/6, lực lượng chức năng tỉnh Lào Cai phát hiện và tiến hành kiểm tra hành chính lô hàng kem que do Đặng Đức Tường làm chủ được đựng trong 200 thùng bìa carton với số lượng 8.000 que kem tại khu vực đường Đăng Châu, phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai.
Tại thời điểm kiểm tra, Tường không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc, xuất xứ. Sau đó, Tường khai nhận số kem trên được thu mua từ Trung Quốc về bán cho các đại lý trên địa bàn.
Đội Quản lý thị trường số 7 đã lập hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Đặng Đức Tường số tiền 10 triệu đồng và tịch thu tiêu hủy toàn bộ hàng hóa nói trên trị giá 28 triệu đồng.
Cách đây một tháng, quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cũng bắt giữ lô hàng hơn 3.700 cây kem hương vị các loại do Trung Quốc sản xuất, và phạt chủ lô hàng 8 triệu đồng do không xuất trình được giấy tờ nhập khẩu, kiểm định chất lượng an toàn thực phẩm.
Theo khai nhận của chủ hàng toàn bộ số kem que trên được mua tại khu vực cửa khẩu Chi Ma vận chuyển về khu vực thành phố Lạng Sơn để bán lẻ kiếm lời.
Số kem mà đội Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai thu giữ có cách sắp xếp rất giống với loại kem nội địa Trung Quốc. Bởi, loại kem nội địa Trung Quốc mà các tiểu thương rao bán trên mạng hiện nay cũng thường đóng theo kiểu 40 que/hộp.
Được biết, mặt hàng kem cây Trung Quốc gần đây được rao bán nhiều trên các trang mạng với giá rất rẻ. Trên bao bì toàn tiếng Trung Quốc với hạn sử dụng của kem là 5 tháng. Một thùng kem 40 que có từ 10 đến 15 vị gồm socola, vani, đậu xanh hay dâu tây… với giá bán khoảng 140.000 đồng.
Đối với khách mua thùng xốp lớn 400 que giá còn 1,2 triệu đồng, tính ra giá nhập chỉ khoảng 3.000 đồng/que. Trong khi sản phẩm cùng chủng loại sản xuất trong nước không có giá dưới 15.000 đồng/que.
Không những thế, đa phần nguồn kem nội địa Trung Quốc đều về qua cửa khẩu tại Lào Cai. Bởi theo dân buôn hàng Trung Quốc, loại hàng này thường chỉ đi qua cửa khẩu Lào Cai, vì nó nhỏ gọn và chi phí để hàng qua cửa khẩu này rẻ hơn các cửa khẩu khác.
“Hàng qua cửa khẩu Lào Cai đi kiểu ‘chính ngạch’ nên không bao giờ bị tắc biên. Thế nhưng, chỉ có thể đi được hàng nhỏ như kem là một ví dụ. Mỗi lần hàng qua sẽ chỉ được thồ bằng 1 xe đạp”, dân buôn cho biết thêm.
Tuy vậy, người tiêu dùng nên cảnh giác với các loại kem không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhất là việc tuyên truyền nhắc nhở tới trẻ nhỏ, để đảm bảo cho sức khoẻ cho các thành viên trong gia đình.
Anh Thư (t/h)