Sau khi nhận được phản ánh của người dân về công trình mang tên ‘phim trường BBK’ có nhiều người Trung Quốc thường xuyên tập trung, qua lại. Thành phố đã cho đoàn kiểm tra liên ngành đi xác minh, kiểm tra toàn diện.
Tối 6/11, Chủ tịch UBND TP. Lạng Sơn Lê Trí Thức cho biết, đang kiểm tra toàn diện quần thể công trình gắn biển ‘Phim trường BBK’ xây dựng trên ngọn núi thuộc thôn Rọ Phải, xã Mai Pha, nơi từng có nhóm người Trung Quốc thường xuyên tập trung, qua lại.
“Do toàn bộ công trình phim trường BBK này đang bị khóa kín cửa, chủ là bà Nông Thị Minh Huệ thường xuyên đi vắng nên tổ kiểm tra hẹn làm việc với bà Huệ để kiểm tra, rà soát công trình này vào chiều 7/11”, ông Lê Trí Thức nói.
Theo ông Thức thì phim trường BBK rộng khoảng 1.016m2, nằm trong khu đất 17.131m2, được xây dựng từ khoảng đầu năm 2016, gồm 6 nhà sàn kiên cố bằng gỗ tứ thiết và hàng chục chòi lá do bà Nông Thị Minh Huệ (trú tại phường Tam Thanh) làm chủ.
Năm 2013, bà Huệ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất khoảng 1.045 m2 và được ông Bùi Văn Côi (giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND TP. Lạng Sơn ở thời điểm đó) phê duyệt.
Theo lời của bà Huệ thì gia đình bà đã liên kết với các doanh nghiệp lớn để thành lập Công ty TNHH Điện ảnh BBK. Chồng bà là người Chiết Giang (Trung Quốc), có điều kiện liên kết với một số nhà làm phim Trung Quốc đến dựng cảnh, sản xuất 2 bộ phim tại đây.
Cuối năm 2018, công trình này đã hoàn thiện và được dùng để quay phim và kinh doanh nhà hàng, và làm nơi cho các diễn viên, quay phim, đạo diễn nghỉ ngơi giữa giờ.
Cũng vào thời điểm này, người dân địa phương cho biết có nhiều người Trung Quốc thường xuyên tụ tập, qua lại khu vực này. Sau vài tháng rầm rộ ăn uống, hát hò, công trình thường xuyên trong tình trạng ‘cửa đóng, then cài’, chỉ còn vài người thường xuyên lui tới đây vào ban đêm.
Tuy nhiên sau đó điều kỳ lạ là khu vực phim trường này luôn có bảo vệ canh gác, bảo mật. Người nào tới gần quay phim, chụp ảnh đều bị ngăn cản.
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Thanh Lương – Chủ tịch xã Mai Pha cho biết, cuối năm 2018, khi công trình này bắt đầu được đưa vào sử dụng, thỉnh thoảng có một tốp người Trung Quốc đến tự sinh hoạt, nấu ăn rồi lại đi.
“Thời điểm đông nhất, nơi này có khoảng gần 20 người nhưng chỉ hoạt động ban ngày. Đến 22h đêm là nhóm người này bắt đầu rời đi… Từ tháng 4/2019, chủ cơ sở đã tạm dừng dịch vụ.”
Cũng theo vị Chủ tịch xã Mai Pha thì ngoài việc kiểm tra thủ tục pháp lý có liên quan đến công trình nêu trên, UBND xã còn làm rõ thông tin nơi này có phải đã từng được sử dụng làm bối cảnh phục vụ nhiều cảnh quay cho đoàn phim Trung Quốc hay không? Nếu có, nội dung bộ phim đó được sử dụng vào mục đích gì? Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép quay phim, ghi hình chưa?…
Liên quan tới công trình trên, theo công an xã Mai Pha, qua việc quản lý nhân khẩu, khai báo tạm trú cho thấy bà Nông Thị Minh Huệ có chồng là người tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), có 3 con, không chỉ thường xuyên về đây, gia đình này còn liên tục di chuyển, sinh sống tại Trung Quốc và một số tỉnh, thành Việt Nam.
Vũ Tuấn (t/h)