Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang trong tình cảnh rất bấp bênh. Không chỉ các quan chức ĐCSTQ, các doanh nhân giàu có hoặc những người thuộc tầng lớp trung lưu đã rời khỏi Trung Quốc, mà ngay cả những người dân bình thường cũng đang tìm đường tháo chạy.
Cách đây 1 tháng, một cư dân ở Quảng Đông đã chuyển đến sống tại một tiểu quốc ở Balkans thuộc khu vực Đông Nam Châu Âu. Cô tiết lộ rằng, có hơn 10 người đã đến đây trước cô, và trong tương lai một số lượng lớn người nữa sẽ đến đất nước này.
Cô Tôn nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng: “Tôi sợ nó sẽ bế quan tỏa cảng, và đóng cửa đất nước. Nền kinh tế trong nước không tốt, nhiều người trẻ thất nghiệp, con tàu kia đã bị rò rỉ. Tôi sẽ không quay trở lại. Cứ ở đây lập kế hoạch sinh sống thôi. Trong tương lai, hoàn cảnh ở Đại lục sẽ không còn tốt nữa, mẹ con chúng tôi dù là ở đâu thì cũng là lang thang thôi”.
Cô Tôn cho biết việc xuất cảnh của cô cũng không hề suôn sẻ, cô đã bị thẩm vấn rất lâu tại Hải quan sân bay Bạch Vân Quảng Châu. “Chúng tôi bị hỏi rất nhiều điều, họ hỏi chúng tôi sẽ đi đâu, tại sao chúng tôi đi, đi để làm gì, v.v. Còn có một người bạn đồng hành khác là một cậu thanh niên đến từ Thành Đô, Tứ Xuyên, đã tốt nghiệp đại học được hai ba năm rồi, cậu ấy cũng muốn tháo chạy, thế là chúng tôi cùng nhau đi đến đây”.
Cô Tôn cho biết, cô đã chuẩn bị cho kế hoạch rời Trung Quốc từ 2-3 tháng trước, và hiện cô không muốn tiết lộ vị trí đất nước của mình, cô không muốn con đường này bị Trung Quốc cắt đứt.
Chi phí sinh hoạt ở nước ngoài thấp hơn ở Trung Quốc
Khi nói về điều kiện sống hiện tại, cô Tôn nói rằng cô đã mang theo tổng cộng hơn 10.000 euro, chi phí sinh hoạt ở đây tương đối thấp và hiện tại thì gia đình cô vẫn đủ dùng.
“Đối với chúng tôi bây giờ mà nói, ăn ở là chi phí lớn nhất. Tôi thuê một phòng ở tầng 2 với giá 200 euro một tháng. Đồ ăn cũng rất rẻ, chúng tôi chi khoảng 30 nhân dân tệ (hơn 100 ngàn vnđ) một ngày cho hai mẹ con là được rồi, hơn nữa thức ăn cũng không tệ. Thịt bò ở Trung Quốc có giá 60 nhân dân tệ 500 gam. Thịt bò đã chế biến mà tôi mua ở đây chỉ 13 nhân dân tệ một pound (454 gam)”.
Cô Tôn, gần 50 tuổi cho biết, trước môi trường sống khắc nghiệt trong nước, rất nhiều người muốn rời khỏi Trung Quốc, năm nay đã có hơn chục người đặt chân đến đất nước nhỏ bé này: “Chắc hẳn vào năm sau, tôi biết sẽ có người đi Tây Ban Nha, những người thuộc tầng lớp trung lưu sở hữu hơn năm hoặc sáu triệu nhân dân tệ là có. Họ đã nộp đơn xin thị thực vào năm ngoái để sẵn sàng cho việc trốn chạy bất cứ lúc nào.”
Cô Tôn cho rằng, tương lai sẽ có một nhóm người Trung Quốc khác đến đất nước mà cô đang ở này: “Có rất nhiều, nhưng một số người không thể chạy được. Ít nhất đây là một quốc gia châu Âu, ở đây luôn có một môi trường tôn giáo tốt hơn so với ở Đại lục. Tôi nghĩ tự do là điều quan trọng nhất. Ở Trung Quốc đại lục, cả những người dân an phận thủ thường cũng khó mà an cư lạc nghiệp được, vì vậy tôi đã đưa con trai của mình đi.”
“Dân thượng lưu” đến Hoa Kỳ, Canada và Tây Âu, “dân thường” đến Đông Âu
Cô Tôn mô tả nhóm thường dân của mình là “nhóm dân cư cấp thấp”, cô nói rằng ở Trung Quốc, những người có tiền hay không có tiền, đều nhận ra rằng sớm muộn gì họ cũng sẽ bị chính phủ “thu hoạch”.
Xuất phát từ bản năng muốn tìm kiếm một hoàn cảnh sống thuận lợi và tránh sự bất lợi, cô đã quyết định trốn khỏi Trung Quốc. Cô Tôn cho biết, ngày nay người giàu thường đến các nước thuộc liên minh Five Eyes, còn các gia đình thu nhập trung bình thì đến các nước thành viên thuộc khối Schengen.
Cô Tôn có quen biết một ông chủ làm kinh doanh ở Phật Sơn, Quảng Đông, ông này mở ba nhà máy, thì hai nhà máy đã bị Đảng Cộng sản đóng băng, ông lại chuyển đến Hồng Kông rồi cũng lại bị đóng băng. Tuy nhiên, doanh nhân họ Lưu này đã quyết định từ bỏ tài sản còn lại và rời khỏi Trung Quốc cùng với gia đình mình. Con trai ông ấy đang học ở Tây Ban Nha.
Ngày 26/8, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin rằng, nước Cộng hòa Síp, một thành viên của Liên minh châu Âu, trong những năm gần đây đã trở thành một “thế giới mới” dành cho những quan chức và những người giàu có tại Trung Quốc muốn di dân.
Trong ba năm, Síp đã cấp 1.400 cái gọi là ‘hộ chiếu vàng’ cho những người nộp đơn từ hơn 70 quốc gia. Trong đó có hơn 500 bản đã được cấp cho các ông trùm hoặc quan chức chính phủ Trung Quốc, tuy nhiên, người nộp đơn phải đầu tư ít nhất 2,15 triệu euro để có được “hộ chiếu vàng” do Síp cấp.
ĐCSTQ thắt chặt kiểm soát đối với công dân Trung Quốc muốn rời khỏi đất nước
Trước tình trạng người dân Trung Quốc đem tiền trốn chạy ra nước ngoài, trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã liên tục siết chặt và kiểm soát việc xuất cảnh của công dân Trung Quốc. Trong đó, công chức, nhân viên các cơ quan nhà nước, nhân viên ngân hàng và quản lý doanh nghiệp nhà nước đều bị thu giữ hộ chiếu. Khoảng tháng 10 năm ngoái, nhiều nơi cũng đã mở rộng phạm vi kiểm soát đối với giáo viên trường công lập và những người nghỉ hưu.
Một tháng trước, chính quyền ĐCSTQ lại tiến hành mở rộng phạm vi thu hộ chiếu, mở rộng ra đối với các ủy ban thôn và ủy ban khu phố. Tờ “The Beijing News” đưa tin ngày 9/8 tiết lộ rằng, các cán bộ thôn ở quận Bình Cốc, Bắc Kinh đã giao nộp hộ chiếu cá nhân, và Bắc Kinh đã đem tất cả các đối tượng được giám sát mới cho vào hệ thống chống đào thoát.
Được biết, đội ngũ cán bộ thôn bao gồm Đảng ủy Ủy ban khu dân cư tại các thôn hoặc khu phố cùng với đội ngũ lãnh đạo Ủy ban khu phố, trong thông báo của chính phủ nêu rõ, ngoài việc thu hộ chiếu riêng của những cán bộ này, đối với những quan chức chưa có hộ chiếu, cũng phải thực hiện việc kiểm soát và phê duyệt gắt gao.
Một ủy viên thôn ở Trường Sa, Hồ Nam cho biết, họ cũng nhận được thông báo vào đầu tháng 8 nói rằng, tất cả các thành viên ở 2 Ủy ban đã có hộ chiếu đều phải nộp lại để thống nhất bảo quản. Ông tin rằng đây là đợt triển khai thống nhất trên toàn quốc.
Ngoài ra, chính quyền ĐCSTQ cũng kiểm soát chặt chẽ ngoại hối, giới hạn quy đổi hàng năm là 50.000 USD/người. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất của Chainalysis, gần đây, khoảng 50 tỷ USD tài sản tiền điện tử đã được chuyển ra khỏi Trung Quốc trong 12 tháng qua, điều đó cho thấy một số nhà đầu tư Trung Quốc đang cố gắng trốn thoát khỏi sự kiểm soát ngoại hối của chính quyền.
Minh Huy (Theo Epoch Times)