Cựu trưởng phòng marketing sách của Amazon – Bo Olso, từng chia sẻ: “Trong suốt 2 năm làm việc tại đây, tôi đã từng thấy gần như tất cả đồng nghiệp của mình bật khóc trên bàn làm việc”.
Trong một cuộc điều tra gần đây nhất, hơn 100 nhân viên tại hãng Amazon đã đưa ra những cáo buộc phơi bày sự thật kinh khủng liên quan tới văn hóa công sở của nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới.
“Thà vô gia cư còn hơn phải làm việc cho Amazon”
Câu nói đáng buồn trên là của một người đang làm việc cho công ty bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới Amazon. Với cường độ làm việc kinh khủng cùng những chính sách tận dụng tối đa sức lao động của nhân viên, nhiều người đã phải gục ngã ngay tại bàn làm việc.
Thời gian làm việc tại “địa ngục” mang thương hiệu Amazon, khi mà mỗi nhân viên tại đây thường xuyên phải làm việc trên 80 tiếng một tuần – một con số khủng khiếp so với thời gian làm việc trung bình 40 giờ mỗi tuần tại Mỹ.
Khối lượng công việc đối với mỗi nhân viên ở Amazon cũng cực kì nặng nề: Phải làm việc liên tục trong 4 ngày không ngủ để kịp tiến độ hoặc tự bỏ tiền ra để thuê cộng tác viên nhằm đảm bảo công việc được hoàn thành đúng hạn. Thậm chí, Amazon còn lắp đặt “nút tiện ích” trong nhà vệ sinh “giúp” nhân viên của mình tiết kiệm thời gian gọi lao công khi cần thiết.
Amazon bị tố chỉ quan tâm tới năng suất công việc, nhân viên chỉ là những con rô-bốt làm việc vì lợi ích của công ty. Nếu như có vấn đề về sức khỏe hay gặp chuyện gia đình khiến cho bạn không thể làm việc đủ 80 tiếng mỗi tuần theo tiêu chuẩn thì rất tiếc, Amazon sẽ không bao giờ thông cảm và bạn sẽ bị sa thải.
Thậm chí, một nhân viên nữ còn bị đều đi công tác xa mặc dù cô mới bị sảy thai ngày hôm trước cùng với lời nhắn “Rất xin lỗi nhưng vẫn có công việc cần được hoàn thành. Nếu bạn muốn đặt gia đình lên trên hết thì chúng tôi không nghĩ công việc này thích hợp với bạn”. Ngoài ra, sự lạnh lùng đến gai người trên của Amazon đặc biệt khắc nghiệt đối với những lao động nữ, bằng chứng là hiện không có bất cứ một phụ nữ nào nắm giữ những vị trí lãnh đạo tại thương hiệu nổi tiếng này.
Amazon còn bị tố cố ý khuyến khích nhân viên bán đứng lẫn nhau. Các chính sách khuyến khích nhân viên “giám sát” công việc của đồng nghiệp và báo cáo ngầm với quản lý cùng thói quen sa thải ngẫu nhiên những nhân viên cấp thấp, Amazon đã khiến công ty của mình trở thành một “đấu trường sinh tử” thực sự. Để duy trì công việc của mình, những nhân viên của công ty buộc phải thành lập những “liên minh” và “hiệp ước” ngầm nhằm bảo vệ lẫn nhau cũng như loại bỏ những nhân viên “phe đối lập”.
Bruce Phan – theo GenK