Làm sao để một chú rùa bị “chỏng vó” có thể lật ngược lại?
Hàn Mai
Một câu hỏi đối với bạn trông có vẻ rất bình thường hay hỏi cho vui, nhưng lại là vấn đề sinh tồn với những chú rùa vì nếu không thể lật lại được thì chúng sẽ chết.
Ngày nay, các khoa học gia đã tìm hiểu chi tiết vấn đề nhằm xác định xem rùa có tiến hóa đủ mức để làm được điều đó không, và chúng làm như thế nào.
Tiến sỹ Ana Golubovic từ Đại học Belgrade, Serbia và các đồng nghiệp đã nghiên cứu hành động của một loài rùa là rùa Hermann, để tìm hiểu xem hình dạng mai có ảnh hưởng ra sao tới khả năng tự lật lại của chúng.
Các loài động vật có mai hay vỏ cứng thường rất dễ bị mất thăng bằng và ngã ngửa. Trong tư thế đó, chúng rất dễ lâm vào tình trạng hiểm nguy, có thể là bị chết vì đói hoặc bị các con thú khác ăn thịt.
Rùa đặc biệt gặp khó khăn trong tình huống đó. Chúng không thể tự lật lại bằng cách vặn mình bên trong vỏ mai được.
Các nhà nghiên cứu lâu nay đã cho rằng tỷ lệ giữa độ dày và độ dài của mai rùa có tác động tới khả năng tự lật lại, nhưng chưa có ai thử nghiệm về tác động thực sự của các tỷ lệ mai rùa trên các chú rùa đang sống.
Rùa Hermann là loại rùa có kích thước trung bình, sống ở khu vực Địa Trung Hải. Rùa cái thường lớn hơn rùa đực.
Tiến sỹ Golubovic và các đồng nghiệp đã tiến hành phân tích trên 118 chú rùa Hermann, gồm 54 con cái và 64 con đực, với việc lật ngửa từng con và sau đó ghi lại thời gian chúng cần có để vẫy vùng đầu, chân và đuôi để cố lật lại. Sau đó, họ so sánh số liệu ghi được với các thông số mai rùa.
Công tác phân tích phức tạp hơn nhiều so với dự tính ban đầu, bởi nhóm nghiên cứu phải tính toán các số đo khác nhau của mai rùa cùng với việc xác định thân nhiệt từng con.
Rùa là loài máu lạnh, do vậy khi thân nhiệt xuống thấp hơn bình thường, chúng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tập trung năng lượng để tự lật mình lại, và yếu tố này cần được tính đến khi ghi chép số liệu.
Các khoa học gia phát hiện rằng những chú rùa có mai cong gồ lên nhiều hơn thì có khả năng tự lật lại dễ dàng hơn. Phát hiện này xem ra cũng không có gì bất ngờ.
Tuy nhiên, họ cũng phát hiện ra mối quan hệ quan trọng giữa kích thước của mai và khả năng tự lật lại. Các chú rùa to hơn tỏ ra khó khăn hơn trong việc này so với các chú rùa nhỏ, và khuynh hướng này rõ rệt hơn trong rùa đực nếu so với nhóm các rùa cái.
Điều đó cho thấy kích thước nhỏ nhắn của rùa có thể mang đến một số bù đắp thiết thực trong vài tình huống.
Nhìn chung trong thế giới động vật, các con lớn thường có sức sống tốt hơn các con nhỏ. Tuy nhiên, nếu rùa Hermann lớn quá thì sẽ phải gặp nguy cơ bị ‘phơi rốn’ mà không tự thoát được.
Các chú rùa cái thường lớn hơn rùa đực, có lẽ bởi càng lớn thì chúng càng có khả năng sinh sản cao, một lợi thế đủ để át đi mối rủi ro không tự lật lại được khi bị ngửa bụng lên trời.
Trong khi đó, rùa đực phải đối diện với các nguy cơ khác hẳn.
Rùa đực càng nhỏ thì càng tỏ ra nhanh nhẹn, và khả năng di chuyển tốt hơn có thể giúp chúng tìm kiếm, giao phối được với nhiều con cái hơn.
Tuy vậy, rùa đực cũng ưa đánh nhau với các con đực khác bằng cách chủ động tìm cách cho đối thủ ‘lấm lưng’.
Trong tình huống này, kích thước lớn hơn đem lại lợi thế, và các chú rùa lớn hơn thường giành phần thắng.
Mời bạn xem một video khá thú vị ghi lại hình ảnh giải cứu bạn rùa bị lật ngửa: