Ngày 13/8, Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ cho biết, một công ty Mỹ đã bị xử phạt 575.000 đô la vì nhập khẩu chất tạo ngọt dạng bột do các tù nhân lao động tại Trung Quốc sản xuất.
Hình phạt dành cho công ty Purecircle U.S.A đánh dấu lần xử phạt đầu tiên của Cục, kể từ khi điều luật năm 2015 cấm nhập khẩu các mặt hàng do lao động cưỡng bức sản xuất được thông qua.
Cục Hải quan và Biên phòng cho biết, công ty này đã nhập khẩu ít nhất 20 lô hàng bột stevia, và các chất dẫn xuất được sản xuất bởi các tù nhân lao động tại Trung Quốc. Stevia là một chất chiết xuất từ thực vật, được sử dụng làm chất tạo ngọt trong nước ngọt và các loại thực phẩm khác.
Công tác điều tra được tiến hành khi Cục thu giữ được một lô hàng vào tháng 5/2016, sau khi nhận được cảnh báo mật rằng bột stevia được sản xuất bởi một công ty Trung Quốc sử dụng tù nhân lao động – công ty Nội Mông Hengzheng Group Baoanzhao Agricultural and Trade LLC.
Brenda Smith – Trợ lý Ủy viên Điều hành Văn phòng Thương mại của Cục Hải quan và Biên phòng cho biết: “Theo trọng trách thực thi thương mại, Cục Hải quan và Biên phòng sẽ xử phạt các công ty nhập khẩu hàng hóa được sản xuất từ các tù nhân lao động cưỡng bức”.
PureCircle cho biết, công ty không thừa nhận trách nhiệm trong khâu thỏa thuận với Cục Hải quan và Biên phòng, nhưng đồng ý nhận mức phạt để kết thúc công tác điều tra tốn kém.
Cục Hải quan và Biên phòng đã tăng cường điều tra các mặt hàng nhập khẩu, bị nghi ngờ là do lực lượng lao động cưỡng bức tại Trung Quốc sản xuất. Kể từ tháng 9/2019, cơ quan đã tiến hành 11 lệnh thu giữ, trong đó có 4 trường hợp là đối với sản phẩm từ Trung Quốc.
Tuần này, cơ quan cho biết sẽ thu giữ toàn bộ mặt hàng may mặc nhập khẩu được sản xuất bởi tập đoàn Hero Vast Group của Trung Quốc, sau khi có thông tin cho rằng tập đoàn này sử dụng tù nhân lao động để sản xuất hàng hóa.
“Việc sử dụng tù nhân lao động không chỉ là một hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong các chuỗi cung ứng toàn cầu của chúng ta”, ông Smith cho nói.
Vào tháng 6, Cục Hải quan và Biên phòng đã thu giữ 13 tấn tóc người trị giá 800.000 đô, bị nghi do các lao động cưỡng bức sản xuất tại Tân Cương, Trung Quốc. Các nhà điều tra và hoạt động cho rằng, số tóc này được lấy từ các tù nhân Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại mạng lưới rộng lớn ở các trại giam của quốc gia này.
Việt Anh (Theo Epoch Times)