Các nhà khoa học vừa phát hiện dấu tích lạc đà, loài động vật điển hình cho môi trường sống ở sa mạc, tại vùng Cực Bắc trái đất với niên đại khoảng 3,5 triệu năm.
Mảnh xương của loài động vật xù xì, to lớn vừa được tìm thấy trên đảo Ellesmere của Canada, vùng đất liền xa nhất về phía Bắc Cực. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, loài động vật này phải lang thang khắp các rừng thường xuyên bị băng tuyết bao phủ để tìm kiếm thức ăn. Những con lạc đà này cũng lớn hơn 30% so với hậu duệ hiện thời của nó.
Tuy nhiên, các nghiên cứu chuyên sâu mảnh xương của lạc đà khổng lồ tiết lộ, môi trường sống của chúng từng cao hơn 14 độ C so với hiện nay. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, mặt đất vẫn bị băng tuyết bao phủ tới 9 tháng/năm và thực phẩm cũng hết sức khan hiếm. Các nhà khoa học cho biết, phát hiện mới làm thay đổi khá nhiều cách nghĩ của chúng ta về loài lạc đà. Nó còn cho thấy cách thức loài động vật đặc biệt này điều chỉnh để chuyển đổi môi trường sống từ những vùng đất hàn đới tới môi trường sống khô nóng ngày nay của chúng. Giống với lạc đà ngày nay, lạc đà khổng lồ cổ đại cũng có những chiếc bướu, giúp chúng dự trữ chất béo để sử dụng trong trường hợp khan hiếm thức ăn. Ngoài ra, lạc đà cổ đại cũng sở hữu bàn chân phẳng, giúp chúng đi chuyển thuận lợi trong môi trường tuyết dày bao phủ, giống với lạc đà ngày nay đi lại trên cát. Ngoài ra, sở hữu đôi mắt to giúp cho những con lạc đà khổng lồ có khả năng quan sát tốt hơn, phù hợp với điều kiện kiếm ăn trong những tháng mùa đông ở hòn đảo nằm sát Bắc Cực. Phát hiện mới không chỉ cho thấy phạm vi sống của loài lạc đà mà còn làm nổi bật khả năng thích ứng với các loại môi trường khắc nghiệt của loài động vật này. Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing