Nghe có vẻ khó tin nhưng kỳ thực, bà đã mang một thai nhi hóa đá nặng khoảng 2kg trong suốt 35 năm mà vẫn sống tốt và không bị ảnh hưởng gì.
Cụ bà (giấu tên) nói trên sinh sống ở thành phố Skikda, miền đông Algeria. Từ trước đến nay bà vẫn khỏe mạnh bình thường cho đến một ngày mùa đông năm 2016, đột nhiên bà cảm thấy đau bụng bất thường và được người nhà đưa đến bệnh viện.
Qua thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, các bác sĩ đã xác định được một thứ vô cùng bất ngờ. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy sự hiện diện của một “cơ thể khác” trong khoang bụng bà, chứ không phải trong tử cung.
Cụ bà này đã mang một thai nhi hóa đá ước tính nặng hơn 2kg và khoảng 7 tháng tuổi trong suốt 35 năm qua. Tuy nhiên, bà vẫn sống rất tốt và không bị ảnh hưởng, cũng không bị tổn hại gì bởi thai nhi đó.
Trước đây bà cũng từng chụp X-quang nhưng các bác sĩ lại không phát hiện ra. Mãi đến khi chụp CT-scan người ta mới phát hiện một bào thai trông như xác ướp Ai Cập trong bụng bà.
Video: Bà cụ 91 tuổi đột nhiên mang bầu, cả làng sốc nặng khi kéo đến xem thứ được sinh ra...(nguồn: GMST)
Tương tự trường hợp trên, tháng 6/2015, một cụ bà ở Chile tình cờ nhập viện vì bị ngã cũng khiến các bác sĩ kinh ngạc khi phát hiện một bào thai đã hóa đá trong bụng.
Khi tiến hành các kiểm tra thường quy, các bác sĩ một bệnh viện ở thành phố San Antonio đã vô cùng sửng sốt khi phim chụp X-quang vùng hông của bà cho thấy có một bào thai gần 2 kg trong khoang bụng.
Ông Margo Vargas Lazo, giám đốc bệnh viện cho biết, bào thai này khá lớn và phát triển hoàn thiện, có thể đã ở trong bụng cụ bà ít nhất 50 năm.
Bào thai này được khoảng 7 tháng khi bị chết. Tuy nhiên bà cụ không hề biết đến sự tồn tại của nó vì chưa từng trải qua cơn đau bất thường nào. Vì đã có tuổi nên bà được các bác sĩ cho xuất viện mà không tiến hành phẫu thuật loại bỏ thai.
Trường hợp này là cực kỳ hiếm gặp, xảy ra khi mang thai thất bại và thai nhi dần bị vôi hóa khi vẫn còn trong cơ thể mẹ.
Được biết, có khoảng chưa đến 300 trường hợp về thai nhi hóa đá trên toàn thế giới được báo cáo trong lịch sử y học. Trường hợp đầu tiên được báo cáo vào năm 1582 khi một phụ nữ Pháp qua đời ở tuổi 68, để lại điều bất ngờ cho giới y học.
Theo Tiến sĩ Natalie Burger, bác sĩ nội tiết và chuyên gia về sinh sản tại Trung tâm sinh sản Texas, thai nhi hóa đá bắt đầu hình thành khi có hiện tượng mang thai ngoài tử cung, là hiện tượng trứng được thụ tinh bị mắc kẹt trên đường vào tử cung, sau đó bám và phát triển bên ngoài.
Cô giải thích: “Thông thường, thai ngoài tử cung có nghĩa là thai không nằm trong lòng tử cung (thai vòi) nhưng ở một tỷ lệ nhỏ, thai có thể nằm trong ổ bụng như ở ruột, buồng trứng, thậm chí trên động mạch chủ. Đây là những vị trí rất hiếm và rất nguy hiểm”.
Tiến sĩ Burger cho biết trong hầu hết các trường hợp bác sĩ sẽ khuyến cáo chấm dứt thai kỳ do thai ngoài tử cung gây nguy hiểm cho thai phụ. Hoặc đơn giản là thai nhi sẽ tự chết do thiếu nguồn cung cấp máu.
“Phần lớn thai ngoài tử cung không tồn tại được trong ổ bụng trong vài tháng. Thai sẽ chết, các mô bị phá vỡ và biến mất”, cô nói.
Thiên Hoa (t/h)