Báo chí Trung Quốc đưa tin, một cậu bé sở hữu đôi mắt xanh biếc như loài mèo Xiêm và có khả năng nhìn được trong bóng tối.||
Theo mô tả, bình thường mắt của Nong Yousui chỉ hơi có ánh xanh, nhưng khi được rọi bằng đèn pin, nó sẽ xanh rực lên. Khả năng nhìn trong đêm của cậu đủ tốt để điền vào bảng câu hỏi khi ngồi giữa căn phòng tối đen.
Câu chuyện kỳ lạ về Yousui được phản ánh lần đầu trên báo từ năm 2009, và thậm chí các phóng viên đến thăm cậu bé tại quê nhà Dahua đã quay cả video clip, song tại thời điểm đó, nó không nhận được nhiều sự chú ý. Nhưng thật bất ngờ, ai đó đã đăng lại câu chuyện vào những ngày đầu năm 2012 trên mạng và ngay lập tức, Nong trở thành một hiện tượng của cư dân Internet nước này. Tuy nhiên, trong khi độc giả mạng tỏ ra phấn khích với Yousui thì giới khoa học quốc tế lại tỏ ra dè dặt. Nếu đúng là cậu bé này có đột biến gene, cậu sẽ là một đối tượng nghiên cứu thực sự thú vị của giới sinh học, giới di truyền học và các nhà giả thuyết. Nhưng thực tế có đúng là Yousui nhìn xuyên được màn đêm? Theo LiveScience, các chuyên gia Anh và Mỹ khi xem video clip đều khẳng định, đúng là Nong sở hữu tròng mắt bất thường so với chủng tộc của cậu bé, nhưng điều đó không có nghĩa Nong chính là nấc tiếp theo của bậc thang tiến hóa. Khả năng nhìn xuyên bóng tối có được là nhờ một lớp tế bào có tên tapetum lucidum trong mắt của loài mèo và các động vật sống về đêm khác. Lớp phim mỏng này là một tấm phản sáng: khi tia sáng chiếu vào đó, nó sẽ phản chiếu ánh sáng theo đúng chiều ngược lại. Tia sáng tới và tia phản chiếu khi đan vào nhau sẽ khuếch đại tín hiệu cuối cùng, cho phép loài mèo nhìn thấy sự vật kể cả trong điều kiện vô cùng thiếu sáng. Lớp phản sáng cũng sẽ khiến mắt mèo lóe lên trong đêm, và theo các chuyên gia, nếu mắt của Nong – nếu đúng là giống mèo – sẽ phải lóe lên như vậy. Việc kiểm tra cậu bé không hề khó, nhà vật lý học Nathaniel Greene của Đại học Bloomsburg (Mỹ) nhận định. Trên thực tế, một thử nghiệm như vậy đã được tiến hành ngay trong đoạn video clip. Các giáo viên của Nong khẳng định mắt cậu bé có lóe sáng khi bị rọi đèn pin vào, nhưng các phóng viên dường như không thể thu được hiệu ứng đó vào camera. Song nhà sinh học James Reynolds của Đại học công New York nhấn mạnh rằng, một video clip có thể quay được hình ảnh đấy rất dễ dàng, giống như phim tài liệu về tự nhiên vẫn quay cảnh báo đốm trong đêm. Hơn nữa, không có bất cứ cơ chế đột biến gene duy nhất nào có thể tạo ra được một lớp tapetum lucidum hoàn chỉnh và hoạt động được ở người, ông Reynolds giải thích. Một khả năng như nhìn xuyên đêm sẽ đòi hỏi nhiều đột biến gene cùng lúc, mà những đột biến đó không thể xảy ra tất cả cùng lúc. Sự tiến hóa phải diễn ra theo cả quá trình chứ không phải cứ nhảy vọt và nhảy cóc, Reynolds tuyên bố trên Life’s Little Mysteries. “Rất khó để kết luận về tính xác thực của câu chuyện này”, Giáo sư Dennis Brooks của Đại học Y Florida chia sẻ. “Cần có sự kiểm tra chính thống của các nhà vật lý học và di truyền học mới có thể đi đến kết luận đáng tin cậy”. Y Lam |