Trải qua các triều đại, nước sông Trường Giang (Dương Tử) vẫn luôn cuồn cuộn chảy xiết. Tuy nhiên trong lịch sử, Trường Giang từng 2 lần xuất hiện hiện tượng kỳ bí: dòng sông mênh mông đột nhiên biến thành khô cạn. Sự kiện kỳ lạ này đến nay vẫn là bí ẩn không lời giải.
Là con sông dài nhất Châu Á, sông Trường Giang được mệnh danh là “sông mẹ của người Trung Hoa”. So với sông Hoàng Hà thì Trường Giang có lưu lượng ổn định và lượng nước đủ lớn, tương đương 20 lần sông Hoàng Hà.
Thế nhưng trong lịch sử, sông Trường Giang đã 2 lần bị “mất nước”, điểm đặc biệt là nơi xảy ra vẫn ở nguyên chỗ cũ. Tại sao lại xuất hiện hiện tượng lạ lùng như vậy?
Lần đầu tiên sông Trường Giang khô cạn là vào tháng 8/1342, tại khu Thái Hưng của Giang Tô. Nước sông chỉ qua một đêm đã khô cạn thấy đáy, khiến nhiều ngư dân đánh cá trên sông cảm thấy hoảng sợ.
Tuy nhiên, họ lại phát hiện ra rằng, sau khi nước sông cạn kiệt, tôm cá và các loại thủy sản lộ ra nhiều vô kể. Người dân không cần câu cá mà chỉ cần vớt bằng tay đã có thể bắt được rất nhiều, tiết kiệm thời gian và công sức.
Ngoài tôm cá, còn có một số châu báu vàng bạc nằm rải rác trên sông Dương Tử, một số người nhân cơ hội này thử tìm kiếm vận may. Ngày hôm sau, khi mọi người tiếp tục truy lùng kho báu, một bức tường nước hùng vĩ bất ngờ ập xuống khiến nhiều người thiệt mạng.
Trong lịch sử có nhiều ghi chép về việc sông Hoàng Hà bị khô cạn. Tuy nhiên, sông Trường Giang trải dài hơn 6.000 km, có nhiều hồ nhánh dọc đường, nước ở thượng nguồn lại vô cùng phong phú, theo lý mà nói thì không thể có chuyện nước sông đột nhiên cạn khô như vậy được.
Lần khô cạn thứ hai của sông Trường Giang vẫn xảy ra tại vùng nước Thái Hưng của Giang Tô, nhưng lần này chỉ xảy ra trong khoảng 2 đến 3 giờ.
Theo ghi chép, ngày 13/1/1954, tức là đã hơn 600 năm sau lần cạn nước đầu tiên. Vào khoảng 4 giờ chiều hôm đó, bầu trời âm u, gió giật mạnh, bụi mù mịt, bầu trời chuyển màu vàng nhạt, vài chiếc thuyền đánh cá vẫn đang hoạt động trên sông. Ngay sau đó, các thuyền viên nhận thấy mực nước đang xuống nhanh, chẳng bao lâu sông Trường Giang đã khô cạn chạm tới đáy.
Điều kỳ lạ hơn nữa là ngay trong đêm đó, gần 200 người dân ở hai bên bờ Thái Hưng đã bị bóng đè cùng một lúc, sự việc này đã gây chấn động tới rất nhiều thôn dân gần đó.
Một số người cho rằng, có lẽ người dân đã chọc giận Hà Bá nên đã bị lấy đi toàn bộ phần nước sông ở nơi này. Cũng có người nói rằng, trên sông Dương Tử thật sự có rồng đang trú ngụ, vì người dân liên tục đánh bắt tôm cá trên sông, khiến rồng tức giận mà hút hết nước để cảnh cáo.
Điều làm cho người ta cảm thấy khó hiểu chính là, tại sao 2 lần Trường Giang cạn nước, cách nhau cả 600 năm, nhưng lại đều xuất hiện ở cùng một chỗ. Chẳng lẽ thật sự có Hà Bá, rồng thần, hay quái vật đang quấy phá tại nơi này, lấy nước sông đi?
Sau nhiều năm thăm dò, các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhận định rằng có một thung lũng cổ đại bí ẩn nằm ẩn mình ở phía đông Trung Quốc, thung lũng cổ đại này ít được biết đến và có lịch sử lâu đời, chạy qua các tỉnh Giang Tô và Sơn Đông.
Dưới thung lũng rạn nứt cổ xưa này có những con sông ngầm chằng chịt. Ở một thời gian và bối cảnh đặc biệt nào đó, thung lũng rạn nứt cổ xưa đã “va chạm” vào sông Trường Giang, và nước sông Trường Giang đã đổ vào sông ngầm của thung lũng cổ đại đó. Tuy nhiên, suy đoán này cũng không được giới khoa học công nhận.
Hiện tượng sông Trường Giang đột nhiên cạn nước cho đến nay vẫn chưa có ai đưa ra được lời giải thích xác đáng. Chuyện gì đã xảy ra khi đó? Nước sông Trường Giang ngàn năm không ngừng chảy rốt cuộc đã đi về đâu? Điều kỳ bí này hiện vẫn đang đợi các nhà khoa học tiếp tục điều tra làm rõ.
Tuệ Tâm (Theo Secretchina)