Nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ va phải tảng băng chìm tức một cuộc suy thoái nữa, trong tương lai gần, theo nhận định của một nhà kinh tế học bi quan.
Nền kinh tế Mỹ có nhiều dấu hiệu đảo chiều trong năm 2015. Tăng trưởng yếu và tiêu dùng cá nhân chững lại.
“Nền kinh tế thế giới đang dong buồm vượt qua đại dương mà không có bất kỳ xuồng cứu sinh nào được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp”, Kinh tế trưởng Stephen Kinh của HSBC cho biết.
Trong một báo cáo ảm đạm dài 17 trang với tiêu đề “Vấn đề Titanic của nền kinh tế thế giới”, King cho rằng thâm hụt ngân sách quá lớn và nợ công cao đang đặt Mỹ vào con đường hướng thẳng đến một cuộc suy thoái khác.
Các “xuồng cứu sinh” thường dùng để kích thích tăng trưởng như lãi suất thấp hoặc tăng chi tiêu công giờ không còn nhiều dư địa. King cảnh báo rằng rất khó để các nền kinh tế ngăn chặn suy giảm nếu không sử dụng các chính sách kinh tế này.
Nhiều nhà kinh tế không cùng quan điểm với King về một cuộc khủng hoảng tiếp theo đang đợi Mỹ. Trên thực tế, rất nhiều người cho rằng kinh tế toàn cầu đã xuất hiện nhiều điểm sáng, đặc biệt như thị trường việc làm tăng trưởng mạnh. Mặc dù vậy, việc lắng nghe các động tĩnh ở Phố Wall là rất quan trọng bởi đôi khi nơi ấy lâm vào tình trạng khó khăn.
Theo King, có 4 con đường có thể khiến Mỹ rơi vào khủng hoảng trong tương lai gần:
1) Tăng lương có thể khiến TTCK suy giảm. Một trong những điểm yếu của nền kinh tế Mỹ là tốc độ tăng lương chậm. Đây là lý do chính tại sao nhiều hộ gia đình không cảm nhận được lợi ích gia tăng sau 6 năm kinh tế phục hồi. King cho rằng nếu tăng lương khi nền kinh tế còn tăng trưởng thì sẽ tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Một số nhà bán lẻ lớn như Walmart (WMT) và Target (TGT), công bố tăng lương cho người lao động từ đầu năm 2015. Hôm Thứ Tư (13/5), Cục Thống kê công bố báo cáo cho thấy khu vực này không tăng doanh số so với cùng kỳ (Tháng Tư) năm 2014 (0%).
Dù độ tăng lương chậm trong vài năm gần đây thì việc tăng lương cũng không thể là nhân tố khiến các nhà đầu tư bán tháo trên thị trường chứng khoán.
2) Trung Quốc rơi vào suy thoái? Việc tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại không còn là bí mật. Nhưng về cơ bản nếu so với mức tăng trưởng 0,2% của Mỹ, thì tốc độ tăng trưởng 7% trong Quý 1 của Trung Quốc cho thấy nước này đang chuyển mình từ tốc độ tăng trưởng chóng mặt sang mức chậm dần đều. King cho rằng nếu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thực sự “tiêu cực”, thì kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng rối loạn. Giá hàng hóa sẽ xuống thấp đến mức chưa từng có và đồng đô la Mỹ sẽ trở nên mạnh hơn, thậm chí là quá mạnh so với giá trị của nó. Các thị trường mới nổi, vốn là những đối tác thương mại chính của Mỹ và Trung Quốc sẽ phải gánh chịu hậu quả.
“Mỹ cuối cùng sẽ bị kéo vào một cuộc suy thoái bởi các các tác nhân ngoài tầm kiểm soát“, King lập luận.
Tuy nhiên, không ai có thể chắc được rằng mức đình trệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay có thể khiến nước này bước vào suy thoái hay không.
3) Phản ứng quá sớm của Cục dự trữ liên bang: Mọi người đều đang chờ đợi Fed tăng lãi suất theo dự kiến. Việc tăng lãi suất có thể diễn ra trong Tháng 6, nhưng nhiều người cho rằng Fed có thể kéo dài việc này đến Tháng 9 hoặc thậm chí muộn hơn. FED đưa lãi suất chủ chốt, ảnh hưởng đến hàng triệu người Mỹ và thị trường toàn cầu, về mức 0% trong tháng 12/2008 để giúp thị trường nhà ở và nền kinh tế phục hồi. Cơ quan này đã không tăng lãi suất kể từ năm 2006.
Nếu FED hành động quá sớm và tăng lãi suất trước khi thị trường đã sẵn sàng, nền kinh tế Mỹ sẽ dậy sóng, King nói. Tuy nhiên, Fed dường như ủng hộ cách tiếp cận chậm và ổn định. Tăng lãi suất bất ngờ trong năm 2015 sẽ đi ngược lại quan điểm của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang là Janet Yellen.
4) Quá tải quỹ hưu trí và bảo hiểm: King cho biết số lượng người nghỉ hưu gia tăng đã vượt quá khả năng chi trả của các quỹ hưu trí. Ví dụ, hai quỹ hưu trí lớn nhất tại New Jersey sẽ hết tiền trong 10 năm nữa, theo như một báo cáo của Moody’s vào Tháng 12, và tổ chức này xếp hạng trái phiếu của Chicago vào hạng rủi ro cao do bang này đang đối mặt với các vấn đề về quỹ hưu trí. Năm 2013, các quỹ hưu trí tại Mỹ có 18 tỷ USD, lớn hơn nhiều lần quỹ hưu trí của bất kỳ quốc gia nào khác, theo báo cáo của Towers Watson (một công ty quản lý rủi ro tại New York).
Đó là những bằng chứng King đưa ra để củng cố nhận định của mình. Vẫn không rõ sau 6 năm phục hồi, thị trường chứng khoán và nền kinh tế có làm tăng quy mô của các quỹ hưu hay không.
Thiên Linh, theo CNN Money