Tinh Hoa

Kinh tế không tiền mặt: Xu hướng thanh toán di động thay thế thẻ tín dụng

Tỷ lệ sử dụng smartphone tại Việt Nam đã lên đến 36% dân số với 120 triệu thuê bao. Dữ liệu này được xem là cơ sở để phát triển thanh toán di động, hướng đến nền kinh tế không tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt có nhiều ưu điểm như minh bạch tài chính, phòng chống tội phạm, chống rửa tiền…và đang được Chính phủ khuyến khích.

Điểm lại thị trường, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai, phát triển số lượng người dùng trên diện rộng. Theo Ngân hàng Nhà nước, cả nước có 111 triệu thẻ đã phát hành, 270.000 máy POS được lắp đặt nhưng tỷ lệ thanh toán qua máy POS chỉ chiếm 8,6 % giá trị giao dịch qua thẻ. Qua khảo sát, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do người dùng vẫn quen sử dụng tiền mặt, nhất là chưa thật yên tâm về tính bảo mật, an toàn của thanh toán điện tử. Các điểm bán hàng thì… ngại bỏ chi phí đầu tư các thiết bị chấp nhận thẻ.

Cuộc đua của những “đại gia”

Hạ tầng công nghệ thông tin đang được hiện đại hóa, kết nối dịch vụ được mở rộng. Chính phủ đã đưa ra mục tiêu giảm tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán xuống mức thấp hơn 10%, phấn đấu đến năm 2020, toàn thị trường có trên 300.000 thiết bị chấp nhận thẻ POS được lắp đặt. Theo khảo sát của Visa, đến cuối năm 2016 , có khoảng 70% số người tiêu dùng Việt Nam sở hữu smartphone mua hàng 1 lần/tháng bằng smartphone.

Các công ty công nghệ, ngân hàng đua nhau vào cuộc với những giải pháp khai thác triệt để thị trường. Chẳng hạn, Standard Chartered Private Equity và Goldman Sachs rót 28 triệu USD vào MoMo. Công ty CP Dịch vụ Trực tuyến Cộng đồng Việt (VietUnion) với dịch vụ trung gian thanh toán Payoo nâng vốn lên 150 tỷ đồng, sau khi nhượng lại 40% cổ phần cho Công ty NTT Data (Nhật Bản). Ví điện tử WebMoney cũng mới ra mắt phiên bản toàn cầu tại Việt Nam sau 5 năm hoạt động nhằm cạnh tranh với các phương thức thanh toán điện tử của các ngân hàng thương mại cũng như các ví điện tử truyền thống.

MasterCard cũng phát triển khá nhiều giải pháp thanh toán di động trên nền tảng thanh toán điện tử MasterPass của MasterCard như ứng dụng ShopThis cho phép người dùng mua sản phẩm trên một bài báo hoặc tạp chí, hay ứng dụng Qkr cho phép đặt hàng và thanh toán nhiều sản phẩm, dịch vụ chỉ bằng smartphone.

Các đại gia công nghệ thế giới như Tập đoàn Microsoft và Hãng Google cũng không bỏ lỡ thị trường thanh toán điện tử với dự án Zero-Effort Payments trên hệ điều hành Windows Phone, hay ứng dụng Google Wallet dành cho hệ điều hành iOS hoặc Android. Apple, Android cũng đã ra mắt Apple Pay, Android Pay và mới đây nhất là Samsung với Samsung Pay… Những công nghệ này cho phép người mua sắm thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại của mình.

Tăng tiện ích, bảo mật

Trong tình hình đó, thanh toán không tiếp xúc, gọi chung là công nghệ “một chạm” đang được nhiều công ty đua nhau đưa vào ứng dụng với tham vọng tạo ra cú hích mới cho thị trường bởi sự tiện dụng, hiện đại, nhiều tính năng ưu việt và bảo mật cao. Theo báo cáo số liệu từ Transport for London hồi tháng 2, thanh toán di động hiện chiếm 8% trong tổng số các thanh toán không tiếp xúc (tăng 3,5% so với một năm trước).

Nghiên cứu của Visa về hành vi thanh toán của người tiêu dùng năm 2016 cũng cho biết, người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra rất hứng thú với các phương pháp thanh toán hiện đại, 83% số người được khảo sát cho biết họ sẽ sử dụng thanh toán không tiếp xúc thay cho tiền mặt khi phương pháp này có mặt tại Việt Nam.

Ông Sean Preston, Giám đốc Visa tại Việt Nam – Lào – Campuchia dự báo: “Việt Nam là quốc gia nhanh nhạy trong việc ứng dụng các công nghệ mới. Sắp tới, dự án tàu điện ngầm metro ở TP HCM sẽ tiếp nhận một lượng khách lớn, để không quá tải trong khâu bán vé thì thanh toán điện tử chính là giải pháp. Đặc biệt, thanh toán qua điện thoại di động bằng QR hay quẹt thẻ với POS… sẽ là những công nghệ cất cánh ở Việt Nam.”.

Cú hích đầu tiên có thể kể đến Visa khi cho ra mắt công nghệ mã QR và điện thoại di động- mVisa. Ưu điểm lớn nhất của mVisa là qua những mã QR Code sẽ giúp giảm thiểu chi phí đầu tư thiết bị – một rào cản khiến nhiều điểm chấp nhận thẻ không mặn mà.

Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) cũng vừa ra mắt Cổng thanh toán VNPAYQR – cổng thanh toán tích hợp mã QR đầu tiên tại Việt Nam. Khách hàng chỉ cần đăng nhập ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng, sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thanh toán hóa đơn trong vài giây.

Các tổ chức tín dụng, ngân hàng cũng triển khai nhiều giải pháp công nghệ thanh toán di động, với nhiều cải tiến về tính bảo mật. Đơn cử mới đây, Sacombank hợp tác với Visa và MasterCard đưa ra công nghệ thanh toán di động không tiếp xúc, thẻ không tiếp xúc trực tiếp vào thiết bị thanh toán và chủ thẻ vẫn giữ thẻ khi thanh toán nên thông tin được bảo mật tối đa.

Đầu tháng 8/2017, CitiBank cũng ra mắt dòng thẻ Citi gold World Debit Mastercard được áp dụng công nghệ thanh toán không tiếp xúc. Bà Natasha Ansell – Tổng giám đốc CitiBank Việt Nam cho biết: “Hiện các dòng thẻ thanh toán không tiếp xúc được chấp nhận tại hơn 5 triệu điểm mua bán tại 77 quốc gia. Do đó, Citigold World Debit Mastercard sẽ trở thành chiếc ví nhỏ gọn và tiện lợi cho khách hàng trong mọi chuyến đi”.

Nhiều thách thức

Theo một công ty nghiên cứu của Mỹ, dù Apple Pay ra mắt năm 2015 thì cũng chỉ có 13% trong số 680 triệu người sử dụng iPhone trên thế giới đã thử dùng Apple Pay. Vì vậy, khó khăn lớn nhất của các dịch vụ thanh toán điện tử chính là thuyết phục và lấy được niềm tin từ người tiêu dùng về tính tiện lợi của dịch vụ và mức độ bảo mật, an toàn của các giao dịch thanh toán.

Khó khăn tiếp theo là phải huy động được nguồn vốn “dài hơi” để nuôi dịch vụ, chờ đến ngày thị trường thực sự phát triển và tiếp tục đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm kết nối được với nhiều đối tác như ngân hàng, các công ty viễn thông, điện, nước, cơ sở công quyền (kho bạc, thuế…), bệnh viện, trường học, các hãng vận tải… Hạ tầng kỹ thuật này đồng thời cũng phải đáp ứng yêu cầu bảo mật thông tin và cho phép thanh toán trên nhiều phương tiện (máy tính, điện thoại di động…).

Giám đốc một ngân hàng chia sẻ: “Ngay tại Singapore, chúng tôi cũng có hệ thống thanh toán điện tử. Tuy nhiên, hiện còn quá nhiều rào cản nên các bên chưa thể hợp tác với nhau. Người dùng vẫn phải mang trong ví quá nhiều loại thẻ còn doanh nghiệp phải lắp đặt vô cùng nhiều thiết bị nhận thẻ khác nhau và người tiêu dùng chịu thiệt với một hệ thống quá bất tiện, doanh nghiệp cùng lúc đó cũng tốn kém nhiều chi phí”.

Đó cũng là lý do những người ủng hộ thanh toán di động cho rằng, công nghệ “một chạm” trong thanh toán điện tử an toàn hơn vì nó yêu cầu nhận dạng vân tay để kích hoạt, thông tin thẻ tín dụng được mã hóa, không cần xuất trình thẻ nên bảo vệ các chi tiết thẻ và không sợ bị mất cắp thông tin. Đặc biệt, việc dùng điện thoại thanh toán thay thế cho thẻ thanh toán không chỉ giúp người dùng giảm bớt các loại thẻ phải mang trong ví mà còn thể hiện được sự… sành điệu, đẳng cấp cho người dùng.

Thực tế ở các nước, thời điểm bắt đầu thanh toán di động cũng khó như Việt Nam. Đơn cử như Singapore, chính phủ nước này hiện đang cố gắng phát triển hệ thống thanh toán bằng mã vạch có thể dùng điện thoại thông minh để quẹt tại khắp các quầy hàng, kể cả các quầy bán rong trên phố. Hay như Chính phủ Nigeria đã cấp thẻ công dân mới có công dụng như một chiếc thẻ thanh toán MasterCard. Bằng cách này, Chính phủ Nigeria có thể chi trả bảo hiểm hay trợ cấp cho từng công dân một cách dễ dàng qua tài khoản đi kèm với thẻ công dân của họ.

Trong một phỏng vấn trên báo Nhịp cầu đầu tư, ông Garry Lyons – Tổng giám đốc sáng tạo của MasterCard cho rằng: “Khi mỗi công dân đều có thẻ thanh toán, các nhà kinh doanh nước này lập tức nhận ra nhu cầu phải trang bị các phương tiện thanh toán điện tử để phục vụ khách hàng”. Điều này cũng tương tự ở Việt Nam, một khi chủ trương của Chính phủ đã có, các doanh nghiệp vẫn cần nhiều biện pháp hoạt động tích cực và hiệu quả hơn chứ không chỉ là lời kêu gọi hoặc mục tiêu chung chung.

Dự báo thanh toán điện tử nói chung ở Việt Nam thời gian tới sẽ phát triển mạnh bởi tỷ lệ dân số trẻ cao, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng gia tăng, cùng với hạ tầng công nghệ phục vụ cho ngành tài chính không ngừng được cải thiện và phát triển. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, một trong những trở ngại mà thanh toán điện tử phải giải quyết, đó là cần có những cú hích cho loại hình thanh toán này và cú hích đó có thể là mức độ thâm nhập của smartphone hay cam kết của các ông lớn trong làng công nghệ và tài chính.

Khi có thêm “ông lớn”

Mới đây Samsung hợp tác với Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) ra mắt giải pháp thanh toán di động Samsung Pay – ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động Samsung hoạt động trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán của NAPAS. Đây được xem là bước tiến mới nhất đẩy mạnh phương thức thanh toán điện tử qua smartphone.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước nhận định: “Việc Samsung Vina tham gia cung cấp các ứng dụng số hóa trên thiết bị di động sẽ giúp các ngân hàng và NAPAS tiết kiệm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tốc độ triển khai và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thanh toán theo xu hướng công nghệ di động trên toàn cầu, đem lại sự thuận tiện, nhanh chóng và an toàn cho người sử dụng thẻ sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả các chương trình khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hiền Huy, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc ngành hàng thiết bị di động của Samsung Vina cho biết: Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam người dùng có thể dùng điện thoại thay thế cho thẻ thanh toán để trả tiền trên quy mô rộng. Các chủ thẻ ATM nội địa thuộc 6 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank có thể thực hiện giao dịch thanh toán thẻ bằng Samsung Pay tại bất cứ đơn vị chấp nhận thẻ nào tại Việt Nam chỉ bằng thao tác một chạm đơn giản vào máy quẹt thẻ POS với điện thoại Samsung đã có cài đặt ứng dụng Samsung Pay.

Với cách này, khách hàng không cần xuất trình thẻ, cũng như không cần e ngại việc bị đánh cắp thông tin thẻ trong quá trình thanh toán”. Ông Cù Anh Tuấn – Tổng giám đốc An Bình Bank cũng cho rằng: “Với công nghệ an toàn từ tính, Samsung Pay có thể kết nối với các đơn vị trung gian thanh toán qua cổng POS thuận lợi hơn nhiều”.

Ông Nguyễn Quang Minh – Phó Tổng giám đốc Napas cũng nhận định: Cùng với sự phát triển của nền tảng công nghệ trên Mobile, hàng loạt ứng dụng được xây dựng thì đây là thời điểm thích hợp để tạo nên làn sóng phát triển mạnh mẽ của thanh toán trên điện thoại.”.

Thực tế, ngay buổi ra mắt đầu tiên tại Việt Nam, Samsung Pay đã chứng minh ra đời đúng thời điểm khi dễ dàng kết nối và nhận được sự ủng hộ của 6 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Sacombank, Shinhan Vietnam Bank, ABBank cùng thực hiện giao dịch thanh toán thẻ bằng Samsung Pay tại bất cứ đơn vị chấp nhận thẻ nào tại Việt Nam.

Với hoạt động trên nền tảng hạ tầng chuyển mạch tài chính và hạ tầng số hóa thanh toán của NAPAS, chỉ bằng thao tác một chạm đơn giản vào máy quẹt thẻ POS với điện thoại Samsung có cài đặt ứng dụng Samsung Pay gồm Galaxy S6edge+, Galaxy S7, Galaxy S7edge, Galaxy S8, Galaxy S8+, Galaxy Note5, Galaxy Note8 và một số mẫu smartphone cận cao cấp Galaxy A, khách hàng không cần xuất trình thẻ, cũng như không cần e ngại việc bị đánh cắp thông tin thẻ trong quá trình thanh toán, đó chính là tính năng ưu thế để Samsung Pay tự tin “lấy lòng” được một số khách hàng tiềm năng cũng như khách hàng “ruột” đang sử dụng điện thoại Samsung.

“Bên cạnh đó, Samsung Pay còn có lợi thế là không phát sinh chi phí cho các điểm chấp nhận thẻ và cơ sở kinh doanh. Với công nghệ “truyền dữ liệu an toàn qua từ tính” (MST) và công nghệ “giao tiếp không dây tầm gần”, Samsung Pay có thể kết nối với các đơn vị trung gian thanh toán qua cổng POS và có thể hoạt động ở hầu hết mọi nơi bạn có thể quẹt thẻ”, ông Kim Cheol Gi, Tổng giám đốc Công ty Điện tử Samsung Vina khẳng định.

Chia sẻ thêm về tính năng an toàn, bảo mật, cũng như sự tiện dụng của Samsung Pay, bà Nguyễn Tú Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NAPAS chia sẻ: “Samsung Pay sử dụng công nghệ số hóa tokenization với nền tảng bảo mật cao cấp Samsung KNOX và các phương pháp xác thực sinh trắc học (quét vân tay, quét mống mắt) hoặc mã PIN để có thể thanh toán một cách an toàn và giảm nguy cơ rủi ro về bảo mật vốn tồn tại trên thẻ nhựa”.

Tuy nhiều lợi thế nhưng để giải pháp thanh toán đi động mới vận hành hiệu quả, đại diện Samsung cho rằng: “Vẫn cần có sự hợp tác chặt chẽ và phối hợp nhịp nhàng của một hệ sinh thái mở rộng bao gồm các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán, các công ty FINTECH và các điểm bán lẻ nhằm mang lại sự linh hoạt, dễ dàng và nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng trong khi vẫn đảm bảo tính an toàn trong thanh toán”.

 

Theo doanhnhansaigon