Cuối hè – đầu năm học mới là thời điểm nhu cầu mua máy tính tăng lên rất cao. Dù dự định bỏ ra vài triệu hay vài trăm triệu đi chăng nữa, việc đầu tiên bạn cần làm vẫn là xác định mục đích sử dụng, từ đó chọn được cấu hình máy tính thích hợp. Bài viết này tư vấn cấu hình tiêu biểu theo từng mức giá giúp các bạn tham khảo.
Máy tính văn phòng và học tập trực tuyến
Đối với các bạn sử dụng máy tính để làm văn phòng (Word, Excel, phần mềm quản lý kho…) hay các bậc phụ huynh trang bị máy tính học tập cho con nhỏ, đua theo cấu hình mạnh là việc hoàn toàn không cần thiết, tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả. Nếu dư dả thì thay vì cấu hình mạnh, bạn có thể đầu tư vào SSD, màn hình lớn (hoặc 2 màn hình) để theo dõi và thao tác được nhiều nội dung hơn. Một số gạch đầu dòng cho các cấu hình sử dụng vào mục đích này:
– RAM tối thiểu 4 GB để không bị thiếu khi chạy nhiều chương trình cùng lúc như Word, Excel, nghe nhạc. Lướt web nhiều tab cũng rất ngốn RAM, nếu có điều kiện tốt nhất nên lên 8 GB.
– Bo mạch chủ và CPU: Chỉ cần main H81 và Core i3 là đủ. Nếu bạn có nhiều tiền hơn hãy nghĩ đến SSD trước, sau đó mới tính đến phương án main B85 và Core i5.
– Ổ cứng: Dung lượng 500 GB hoặc cao hơn tùy theo nhu cầu lưu trữ, tuyệt đối không mua ổ 250 GB vì giá chỉ thấp hơn 500 GB có 100 ngàn. Bên cạnh đó bạn nên cân nhắc mua thêm 1 ổ SSD để cài hệ điều hành và phần mềm, máy sẽ chạy nhanh hơn rõ rệt. Các bạn chú ý không dùng dòng Caviar Green tốc độ chậm, tiết kiệm điện của WD làm ổ cài hệ điều hành.
– Card đồ họa: Không cần.
– Nguồn: Bộ nguồn công suất thực 350W là đủ cho cấu hình không card đồ họa. Nếu muốn sau này nâng cấp thêm card đồ họa rời để chơi game, bạn có mua sẵn nguồn 500W là đủ.
Máy tính chơi game
Hiệu năng của máy tính chơi game phụ thuộc chủ yếu vào bộ 3 là bộ xử lý, card đồ họa và bộ nhớ RAM. Điểm quan trọng nhất là chúng phải phù hợp với nhau về hiệu năng, bất cứ thứ gì yếu hơn cũng sẽ kéo các phần còn lại xuống.
– RAM: Các game hiện nay đều rất tốn RAM nên phải trang bị tối thiểu 4 GB, còn đủ dùng phải 8 GB.
– Bo mạch chủ, bộ xử lý và card đồ họa: Ba thành phần này phải phối hợp tốt với nhau về hiệu năng mới cho hiệu quả tốt nhất. Một số combo nên tham khảo:
Main H81 + Pentium hoặc Core i3 + GTX 750 hoặc GTX 750 Ti.
Main B85 + Core i5 + GTX 950 hoặc GTX 960 hoặc GTX 970.
Main B85 + Core i7 hoặc Xeon + GTX 970 hoặc GTX 980 hoặc GTX 980 Ti.
– Ổ cứng: Nên chọn dung lượng tối thiểu 1 TB vì các bộ cài game bây giờ dung lượng rất lớn. Tốc độ ổ cứng không tác động đến khung hình trong game, nên ưu tiên cho CPU và VGA trước rồi mới tính đến SSD. Các bạn chú ý không dùng dòng Caviar Green tốc độ chậm, tiết kiệm điện của WD làm ổ cài hệ điều hành.
– Nguồn: Công suất thực 350W nếu dùng card đồ họa không nguồn phụ, 450W cho card đồ họa 1 nguồn phụ và 550W cho card đồ họa 2 nguồn phụ.
Máy tính thiết kế đồ họa
Khi dựng PC thiết kế đồ họa, bạn phải xác định 2 yếu tố sau đây là quan trọng nhất: Hiệu năng CPU để render, và màu sắc hiển thị trên màn hình phải chuẩn. Một yếu tố khác kém quan trọng hơn nhưng cũng phải lưu ý, đó là luồng dữ liệu chạy trên ổ cứng khi render project rất lớn, nếu ổ cứng kém có thể dẫn đến crash phần mềm hoặc treo máy.
– RAM: Các ứng dụng thiết kế đều rất ngốn RAM, nên trang bị tối thiểu 8 GB RAM.
– Bo mạch chủ và bộ xử lý: Tùy theo số tiền bạn có, nên lựa chọn 1 trong các combo dưới:
Main H81 + Core i3
Main B85 + Core i5
Main B85 + Xeon. Lưu ý nếu chọn combo này thì phải có card đồ họa rời vì chip Xeon không có đồ họa tích hợp.
– Card đồ họa: Cấu hình thiết kế đồ họa không nhất thiết phải có VGA vì CPU xử lý vẫn là chủ yếu. Tuy nhiên nếu có điều kiện bạn vẫn nên trang bị card đồ họa càng mạnh càng tốt, sẽ giúp ích rất nhiều khi render project, hiển thị màu sắc cũng chuẩn hơn.
– Ổ cứng: Làm đồ họa cần lưu trữ rất nhiều, bạn nên trang bị ổ cứng tối thiểu 1 TB, tốt nhất nên có 2 ổ: Một ổ cài hệ điều hành và phần mềm, ổ còn lại lưu project thì khi chạy sẽ ít giật và treo máy hơn. Các bạn chú ý không dùng dòng Caviar Green tốc độ chậm, tiết kiệm điện cho PC thiết kế đồ họa. Ổ SSD là linh kiện nên có nhưng mức độ ưu tiên đứng sau CPU và VGA.
– Nguồn: Công suất thực 350W nếu dùng card đồ họa không nguồn phụ, 450W cho card đồ họa 1 nguồn phụ và 550W cho card đồ họa 2 nguồn phụ.
– Màn hình: Thiết kế đồ họa cần màu sắc chính xác, hãy trang bị màn hình tấm nền IPS, đắt nhưng xắt ra miếng. Bên cạnh đó, công việc thiết kế yêu cầu mở cùng lúc rất nhiều cửa sổ, nên độ phân giải càng lớn càng tốt, thậm chí cần nhiều màn hình mới đủ. Đừng tiết kiệm cho linh kiện này.
Máy tính biên tập video
Về cơ bản, các tiêu chí cho máy tính biên tập nội dung, cắt ghép video khá giống với máy tính thiết kế đồ họa, ngoại trừ yêu cầu về màn hình không quá quan trọng như vậy.
– RAM: Dung lượng 8 GB là vừa đủ.
– Bo mạch chủ và bộ xử lý: Giống như thiết kế đồ họa, biên tập video ngốn rất nhiều CPU, người dùng nên trang bị CPU càng mạnh càng tốt. Tùy theo số tiền, bạn nên lựa chọn 1 trong các combo dưới:
Main H81 + Core i3
Main B85 + Core i5
Main B85 + Core i7 hoặc Xeon. Lưu ý nếu chọn chip Xeon thì phải có card đồ họa rời vì chip Xeon không có đồ họa tích hợp.
– Card đồ họa: CPU vẫn là thành phần xử lý chính trong các tác vụ biên tập video, nhưng hiện nay có rất nhiều công cụ sử dụng thêm cả nhân đồ họa của VGA để render, nên đây vẫn là linh kiện nên trang bị thêm nếu bạn có điều kiện. Tiêu chí lựa chọn VGA là càng nhiều nhân càng tốt.
– Ổ cứng: Biên tập video cũng là công việc cần lưu trữ rất nhiều, ổ cứng nên tối thiểu 1 GB, tốt nhất nên có 2 ổ: Một ổ cài hệ điều hành và phần mềm, ổ còn lại lưu video thì khi chạy sẽ ít giật và treo máy hơn. Các bạn chú ý không dùng dòng Caviar Green tốc độ chậm, tiết kiệm điện cho PC biên tập video. Ổ SSD là linh kiện nên có nhưng mức độ ưu tiên đứng sau CPU và VGA.
– Nguồn: Công suất thực 350W nếu dùng card đồ họa không nguồn phụ, 450W cho card đồ họa 1 nguồn phụ và 550W cho card đồ họa 2 nguồn phụ.
Máy tính cho dân công nghệ thông tin
Nhiều người lầm tưởng làm công nghệ thông tin không cần máy tính mạnh. Tuy nhiên khi học tới cả thiết kế giao diện và sử dụng các tool mô phỏng, yêu cầu về phần cứng trở nên vô cùng nặng nề.
– RAM: Để thiết kế và hoàn thiện 1 phần mềm cần phải sử dụng cùng lúc nhiều công cụ: tool code, tool biên dịch, tool mô phỏng… nên nhu cầu RAM cực kỳ lớn. Vì thế bạn phải trang bị tối thiểu 8 GB RAM, thậm chí 16 GB nếu cần mô phỏng nhiều.
– Bo mạch chủ và bộ xử lý: Trong quy trình thiết kế phần mềm có 2 công đoạn ăn CPU nhất là biên dịch và chạy mô phỏng. Tiêu chí lựa chọn bộ xử lý là càng mạnh càng tốt, càng nhiều nhân càng tốt. Tùy theo số tiền, bạn có thể lựa chọn 1 trong các combo dưới:
Main H81 + Core i3
Main B85 + Core i5
Main B85 + Core i7
– Card đồ họa: Không cần thiết.
– Ổ cứng: Luồng dữ liệu tải qua ổ cứng khi chạy mô phỏng rất lớn, vì thế SSD là linh kiện đặc biệt quan trọng. Bạn nên chọn ổ dung lượng tối thiểu 128 GB (tốt nhất nên là 256 GB) để cài hệ điều hành, tool thiết kế và các thư viện. Ngoài ra bạn còn cần thêm ổ HDD để lưu trữ dữ liệu nữa, dung lượng tùy theo nhu cầu.
– Nguồn: Công suất thực 350W là đủ cho cấu hình không card đồ họa.
– Màn hình: Do phải sử dụng cùng lúc nhiều công cụ, phải thiết kế giao diện, phải nghiên cứu và so sánh code… tóm lại là bật cùng lúc rất nhiều cửa sổ, bạn sẽ cần màn hình độ phân giải tối thiểu là Full HD, nếu dùng màn nhỏ hơn sẽ rất vất vả, thậm chí là cực hình. Trường hợp cảm thấy màn to vẫn chưa đủ, bạn có thể cân nhắc sử dụng nhiều màn hình.
Theo Genk