Tinh Hoa

Kinh hoàng quy trình sản xuất giấy ăn từ giấy thải

Bắc Ninh từ lâu đã được coi là khu vực tái chế giấy lớn nhất ở miền Bắc, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 300.000 tấn giấy, thế nhưng quy trình sản xuất ở đây thì vô cùng độc hại.

Giấy các tông, giấy báo cũ, rơm rạ, bã mía, thậm chí giấy vệ sinh được chất đống dọc đường làng Dương Ổ, (Phong Khê, Yên Phong, Bắc Ninh).

Chủ một cơ sở sản xuất giấy ở làng Phong Khê, Bắc Ninh là Ông Đ. cho biết, để có 1 tấn giấy ăn thành phẩm phải cần tới 1,3 tấn giấy thải các loại.

“Các anh đừng tưởng giấy ở quán ăn sau khi được khách sử dụng là vứt đi đâu nhé. Chính loại giấy này dân Phong Khê và Phú Lâm mới thích, bởi bản thân chúng đã trắng sẵn rồi nên khi tái chế không cần nhiều hóa chất và cũng đỡ vất vả hơn khi làm”, chủ một cơ sở chuyên thu mua đồng nát là bà Trần Thị Loan (42 tuổi, ngụ tại thị trấn Chờ, Huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) tiết lộ.

Bà Loan còn cho biết, thường thì những quán nhậu, quán cơm bình dân, cửa hàng ăn sẽ cho không đống giấy thải này. Sau khi được thu gom, chúng sẽ được đem bán lại cho cơ sở của bà với giá từ 1.000 – 1.500 đồng/kg.

Mỗi ngày có hàng chục xe thồ, xe ba gác chở giấy thải mang đến cơ sở thu mua đồng nát, sau đó chúng sẽ được gom lại thành kiện để đưa tới các lò tái chế ở Phong Khê và Phú Lâm, bà Loan tiết lộ.

Bể chứa bột giấy thải

Ông N, chủ một doanh nghiệp tái chế giấy lớn nhất nhì làng Phú Lâm thừa nhận, giấy ăn “made in Phú Lâm” đều được tái chế từ nguồn giấy phế phẩm chứ không phải từ tre, trúc như nhiều người vẫn tưởng tượng.

Theo ông N, quá trình tách tạp chất, bụi bẩn… đều được bỏ qua vì thiếu máy móc, cũng như để giảm thiểu chi phí trong sản xuất. Chính vì vậy lò chứa bột giấy thải bao giờ cũng lẫn rất nhiều mực in, phẩm màu, tạp chất.

Dù bột giấy có đen, dính nhiều phẩm đỏ, chứa nhiều mạt cưa thì khi đem hòa với hỗn hợp gồm xút và javen chúng sẽ trở nên trắng phau.

Được biết, việc sử dụng xút và javen trong quá trình sản xuất giấy là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên nếu nguyên liệu được dùng là tre, nứa, gỗ, bột mía thì lượng hóa chất được sử dụng là rất nhỏ, nhưng đối với các loại giấy thải thì lượng hóa chất được sử dụng thường vượt mức cho phép rất nhiều lần.

Khách hàng vô tư sử dụng..

Chị Hoa, chủ một cơ sở giấy ở Phong Khê nói: “ 1 tấn giấy phế phẩm trắng cần 9 kg hóa chất xút và 35 lít javen, còn giấy viết, sách, bìa các tông thì phải cần tới 10 kg xút và 40 lít javen. Giấy càng đen, càng bẩn, lượng xút và javen càng nhiều”.

PGS. TS. Lê Văn Cát , Trưởng phòng Hóa môi trường thuộc Viện Hóa học Việt Nam cho biết, việc sử dụng nguồn nước bẩn và lượng hóa chất quá mức trong quá trình tái chế giấy sẽ làm phát sinh chất formaldehyde và vi khẩn E.coli. Khi người tiêu dùng sử dụng các loại giấy này để lau miệng sẽ hít phải vi khuẩn và loại chất độc hại, từ đó dễ dẫn đến mắc các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng máu, suy thận thậm chí ung thư.

Theo Thanhnien