Tinh Hoa

Kinh hãi rau muống, bắp chuối ‘ngậm’ hóa chất

Không chỉ rau muống bào (chẻ) ở xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM ngâm phẩm màu công nghiệp để làm rau trắng và giữ tươi, ngày 22/9, cơ quan chức năng còn phát hiện bắp chuối, măng tươi, khoai môn… cũng “ngậm” hóa chất.

Khi đoàn liên ngành gồm Phòng Cảnh sát môi trường PC49, Chi cục Bảo vệ thực vật (CC BVTV) TPHCM, UBND xã Bình Mỹ ập vào ba hộ sản xuất rau muống bào là Nguyễn Đức Thìn, Nguyễn Văn Thư (cùng ấp 6B) và hộ Nguyễn Văn Giang (ấp 5), họ phát hiện cả ba hộ đều sử dụng hóa chất nhuộm màu xanh không rõ nguồn gốc pha loãng vào nước và ngâm rau muống trước khi bán ra thị trường.

Đại diện CC BVTV cho biết, đã lấy 6 mẫu, gồm 3 mẫu rau muống bào ngâm trong nước có pha loãng hóa chất màu xanh và 3 mẫu hóa chất màu xanh gửi Công ty Sắc ký Hải Đăng kiểm nghiệm. Ngoài ra, đưa 1.400 kg rau muống bào đưa đến bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) để tiêu hủy.

Bà Nguyễn Thị Tâm (7/85/9 đường Tô Ngọc Vân, phường 15, quận Gò Vấp) khai nhận mua số hóa chất trên tại chợ Kim Biên, sau đó đem về bán lại cho các hộ dân sản xuất rau muống bào để kiếm lời. Cùng thời điểm, đoàn phát hiện cơ sở sản xuất rau muống bào tại số 27/311, đường Tô Ngọc Vân, tổ 60, phường 15, quận Gò Vấp của bà Nguyễn Thị Sự cũng đang sử dụng hóa chất.

Phát hiện người lạ, bà Sự đổ thau rau muống bào đang ngâm trong nước có pha loãng hóa chất màu xanh và chai hóa chất màu xanh nhưng không kịp. Bà khai nhận có sử dụng hóa chất màu xanh ngâm rau muống bào từ lâu nay để “lên đời” cho rau, giúp rau bắt mắt. CC BVTV đã lấy 4 mẫu, bao gồm 3 mẫu rau muống bào đã ngâm trong nước có pha loãng hóa chất màu xanh và 1 mẫu hoá chất màu xanh gửi kiểm tra chỉ tiêu kim loại nặng (Cu, Pb, Zn, As, Cd, Hg, Sb), thuốc BVTV nhóm Dithiocarbamates, hóa chất nhuộm màu, phụ gia (Brillian blue FCT…

Mới đây, Ban Chỉ đạo kế hoạch liên tịch gồm Hội Nông dân TPHCM, Ủy ban MTTQ TPHCM, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương đi giám sát việc trồng rau muống nước, kinh doanh vật tư nông nghiệp tại xã Bình Mỹ. Ông Trần Văn Đều, một trong số 332 hộ trồng rau muống nước ở xã này, thừa nhận có sử dụng phẩm màu xanh để ngâm rau bào. “Giờ tuy không sử dụng nữa nhưng nếu không dùng, rau sau bào sẽ bị ngả màu đen do mủ từ cọng rau tiết ra và sau đổi sang màu vàng. Trong khi mối lái đều yêu cầu phải trắng và giữ độ tươi lâu để vận chuyển đi xa, nếu bị vàng, người tiêu dùng không mua”- ông Đều nói.

Tổng hợp