Trước các lệnh trừng phạt liên tiếp của Liên Hợp Quốc, ngày 22/12 vừa qua Kim Jong-un đã thừa nhận rằng Triều Tiên đang ở trong tình cảnh khốn đốn.
Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên ngày 22/12 đưa tin, trong Hội nghị Đảng Lao động Triều Tiên đang được tổ chức, Kim Jong-un đã thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt đã khiến Triều Tiên lâm vào tình cảnh khó khăn toàn diện. Kim Jong-un cho biết, tất cả các lĩnh vực hiện tại của Triều Tiên đều phải đối mặt với vấn đề không đủ nguồn cung ứng.
Mục đích của trừng phạt là hy vọng chặt đứt nguồn tài chính phục vụ nghiên cứu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, nhưng trong tình cảnh Triều Tiên đối mặt với khó khăn, Kim Jong-un vẫn sử dụng một lượng ngân sách cho việc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, khiến cuộc sống của đa số người dân Triều Tiên lâm vào tình cảnh khốn khổ.
Cũng trong ngày 22/12, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt mới nhất, nghị quyết này yêu cầu các nước thành viên của Liên Hợp Quốc sẽ cắt giảm tổng cộng 89% những mặt hàng xăng dầu và dầu tinh chế khác được xuất khẩu sang Triều Tiên, đồng thời cấm các nước xuất khẩu thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Bình Nhưỡng.
Nghị quyết yêu cầu lao động Triều Tiên ở nước ngoài phải được gửi trả về nước trong vòng 24 tháng kể từ ngày thông qua nghị quyết. Các nước cũng được yêu cầu ngừng vận chuyển những nguồn cung phi pháp tới Triều Tiên bằng đường biển cũng như bị cấm mua bán than và hàng hóa trong danh sách cấm khác đối với Bình Nhưỡng bằng tuyến đường này. Đây là lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất nhằm vào Triều Tiên.
Kim Jong-un đối mặt nguy cơ Mỹ áp dụng biện pháp quân sự
Mặc dù chính phủ Donald Trump đang tận lực áp dụng các biện pháp ngoại giao và trừng phạt kinh tế buộc Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng Mỹ cũng khẳng định rằng có thể sẽ dùng đến biện pháp quân sự. Trước những khiêu khích liên tục của Kim Jong-un, các hành động quân sự của Mỹ cũng được gia tăng, ngoại giới phân tích, khả năng chiến tranh Mỹ – Triều xảy ra vào năm 2018 là rất cao.
Ngày 29/11, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15, đồng thời cũng công bố tên lửa này có thể bắn tới bất kể nơi nào trên phạm vi toàn nước Mỹ. Ngày 04/12, tờ The Guardian của nước Anh đưa tin tiết lộ, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John R. Bolton, khi viếng thăm Hạ viện Anh đã cho biết, Giám đốc Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã báo lên Tổng thống Donald Trump, nói rằng ông Trump chỉ có 3 tháng để lựa chọn hành động ngăn chặn kế hoạch tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên.
CIA nhận định rằng, vào tháng 03/2018 Triều Tiên sẽ có đủ khả năng bắn tên lửa đạn đạo đến tất cả thành phố trên nước Mỹ, vì vậy phải áp dụng biện pháp ngăn chặn trước thời điểm đó. Báo cáo liên quan đã được trình lên Tổng thống Donald Trump.
Ngay sau đó, Mỹ – Hàn đã tiến hành diễn tập định kỳ hàng năm kéo dài 5 ngày với quy mô lớn, mục tiêu giả định là đánh vào hơn 700 công trình hạt nhân và căn cứ thử nghiệm tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Quân đội Hàn Quốc cho biết, không quân Mỹ – Hàn lần này diễn tập với quy một lớn nhất từ trước đến nay, mục đích là ứng phó với mối đe dọa vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gần đây đã tiết lộ, quân đội Mỹ – Trung đã thương thảo về vấn đề “tình huống khẩn cấp” quân Mỹ xuất binh tấn công Triều Tiên, quân Mỹ sau khi chấp hành nhiệm vụ sẽ rút về Hàn quốc. Điều này cho thấy hai bên Mỹ – Trung có thể đã đạt được thỏa thuận nào đó về chiến tranh Mỹ – Triều.
Kênh phát ngôn chính thức của Trung Quốc cũng công khai giải thích rằng, Trung Quốc đã làm hết sức có thể, và điều duy nhất họ có thể làm là chuẩn bị sẵn sàng cho “tình huống tồi tệ nhất” có thể phát sinh.
Thực tế là Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp phòng bị, ngày 06/12 cơ quan truyền thông địa phương tại khu vực biên giới Trung – Triều thuộc tỉnh Cát Lâm đã hướng dẫn người dân cách phòng hộ vũ khí hạt nhân.
Ngoài ra, Trung Quốc còn đang gấp rút xây dựng ít nhất 5 trại tị nạn tại biên giới Trung – Triều. Đây được coi là những biện pháp ứng đối với chiến tranh Triều Tiên, đề phòng rò rỉ hạt nhân từ Triều Tiên cũng như việc một lượng lớn dân Triều Tiên tràn sang Trung Quốc tị nạn.
Lê Hiếu