Giới trẻ Triều Tiên nghĩ gì về nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un? Nhà lãnh đạo vĩ đại hay một chàng trai to béo? Thực tế, giới trẻ nước này không có khái niệm gì đặc biệt về Kim Jong-un.
Nhiều nguồn tin nội bộ cho rằng giới trẻ ngày nay ở Triều Tiên, đặc biệt là sinh viên, không xem ông Kim Jong-un là một nhà lãnh đạo thực thụ đang điều hành đất nước, theo trang Daily NK chuyên về tình hình Triều Tiên của những người Bắc Triều Tiên tị nạn ở Hàn Quốc ngày 5/10.
Kim Jong-un là nhà lãnh đạo thứ 3 liên tiếp trong “Đế chế Kim” kế thừa quyền lãnh đạo Triều Tiên từ người cha và ông nội. Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước năm 2011, Kim Jong-un chưa tạo dấu ấn gì đáng kể cho người dân nước này, theo Daily NK.
Nhà lãnh đạo trẻ cũng chưa nhận được sự “kinh sợ từ dân chúng” thực sự như người cha và ông nội mình.
Trong mắt những người trẻ Triều Tiên, Kim Jong-un chỉ là một “người bình thường”. Lòng trung thành mà giới trẻ dành cho nhà lãnh đạo trẻ này cũng chính là cho chế độ khá mong manh nếu không muốn nói là sụt giảm so với người cha quá cố, dù bộ máy tuyên truyền đang cố sức bơm thêm sự yêu mến và lòng trung thành cho người dân.
“Kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền, giới sinh viên Triều Tiên giảm đáng kể việc sử dụng 2 từ ‘trung thành’ bởi vì phúc lợi mà người dân cảm nhận được từ chế độ là con số không. Chính vì vậy cảm giác trung thành hay sự biết ơn đối với nhà lãnh đạo hầu như không tồn tại ở giới trẻ”, một nguồn tin từ tỉnh Nam Pyongan nói với Daily NK.
Những năm trước đây, người dân dễ xúc động trước sự “chân thành” của các nhà lãnh đạo ngay cả khi được thần thánh hóa, nhưng giờ đây điều đó không còn tác dụng đối với giới trẻ. “Sinh viên không trách cứ hay phẫn nộ ông Kim Jong-un, họ chỉ đơn giản xem ông ấy như một chàng trai có bức tượng to. Họ không quan tâm lắm đến Kim Jong-un”, nguồn tin trên nhận định.
Sinh viên thậm chí còn thờ ơ, cười cợt với hình ảnh của ông Kim Jong-un được ca ngợi trong những bộ phim tài liệu được chính quyền phát đi phát lại ở Triều Tiên.
“Sinh viên cười khúc khích mỗi khi phim tài liệu được phát với lời ba hoa rằng lúc 3 tuổi Kim Jong-un có thể đánh vần được từ khó như Kwangmyeongseong Changa (tạm dịch: Khải hoàn ca hy vọng). Rồi họ nói với nhau rằng: chẳng thà tôi ở nhà xem phim còn hơn nghe những điều đó”, nguồn tin kể tiếp.
Hãng tin quốc gia KCNA của Triều Tiên thường xuyên đề cao tư tưởng juche (tạm dịch: đức hạnh thông qua tự tin) của gia đình họ Kim và tuyên truyền rằng thành công của đất nước Triều Tiên phụ thuộc vào ông Kim Jong-un.
Tuy nhiên, trên thực tế mọi nỗ lực hun đúc lòng trung thành trong tuyên truyền chỉ có tác dụng ngược.
Theo Thanh niên