Seoul hoan hỉ
Theo các chuyên gia chính trị tới từ Viện Chiến lược An ninh Quốc gia (INSS) tại Seoul, việc Bình Nhưỡng đề nghị tham gia Thế Vận Hội Mùa đông PyeongChang có khả năng rất cao nhằm yêu cầu Hàn Quốc gỡ bỏ lệnh cấm vận lên Triều Tiên, tiếp tục các dự án kinh tế liên Triều cũng như cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho Bình Nhưỡng.
Văn phòng chính phủ Hàn Quốc đã đón chào nồng nhiệt đề nghị của ông Kim Jong Un.
Đại diện Nhà Xanh Park Soo-hyun phát biểu trong một thông cáo báo chí, cho biết: “Chúng tôi rất trân trọng đề nghị của ông Kim về việc gửi đại diện tham gia Thế Vận Hội và mở lại các cuộc đàm phán.
Đây là dấu hiệu cải thiện tích cực cho mối quan hệ liên Triều. Tổ chức Thế Vận Hội thành công sẽ không chỉ đem lại sự ổn định cho hai quốc gia bán đảo mà còn cho cả khu vực Đông Á và thế giới”.
Hiện tại, Seoul đã áp đặt lệnh cấm vận đơn phương lên các chương trình thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cấm các giao dịch liên Triều. Hàn Quốc cũng đóng cửa khu công nghiệp chung của hai quốc gia là Kaesong hồi năm 2016 sau khi căng thẳng gia tăng.
Cũng theo INSS, trong các cuộc đối thoại tương lai, rất có khả năng Triều Tiên sẽ yêu cầu Hàn Quốc và Mỹ ngừng tập trận thường niên và buộc Washington dừng triển khai các khí tài quân sự chiến lược quanh khu vực bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã đề nghị Mỹ hoãn các cuộc tập trận chung hai nước, để việc tổ chức Thế Vận Hội Mùa đông (từ ngày 9-25/2) và Thế Vận Hội cho người khuyết tật (từ ngày 9-18/3) tại PyeongChang được đảm bảo. Theo ông, tình hình an ninh của Thế Vận Hội sẽ tăng cao nếu có sự góp mặt của Triều Tiên.
Phản ứng của Mỹ
Các chuyên gia INSS dự đoán Bình Nhưỡng sẽ không có thêm hành động khiêu khích nào, ít nhất cho tới buổi khai mạc Thế Vận Hội.
“Tuy nhiên, vẫn không thể loại trừ trường hợp Triều Tiên sẽ tiếp tục các hành động gây hấn nếu Seoul và Washington không dừng các cuộc tập trận sau Thế Vận Hội”, báo cáo cho biết.
Trong bài phát biểu, ông Kim Jong Un cũng cho biết, trên bàn làm việc của ông luôn có “nút hạt nhân”, sẵn sàng đưa vào sử dụng.
Khi được hỏi về chi tiết này, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ nói ngắn gọn: “Để rồi xem, để rồi xem”, trước khi bước vào bữa tiệc chúc mừng năm mới tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Mar-a-Lago tại Florida.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng chưa đưa ra bình luận mới nào về bài nói mừng năm mới của ông Kim Jong Un.
Cuối tháng 11 vừa qua, sau khi thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ, ông Kim tuyên bố nhiệm vụ hạt nhân đã hoàn thành.
Trong bài nói đầu năm, ông khẳng định Triều Tiên sẽ tập trung “sản xuất hàng loạt đầu đạn hạt nhân và tên lửa đạn đạo để sử dụng” trong năm 2018.
Tuy vậy, ông Kim cũng nhấn mạnh sẽ chỉ dùng tới vũ khí khi Triều Tiên gặp hiểm nguy và nút hạt nhân trên bàn làm việc của ông là “một sự thực, không phải lời đe dọa”.
Theo Soha