Kể từ khi dự án đập Tam Hiệp được chấp thuận bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), các đời Chủ tịch luôn vấp phải những cảnh báo về mối nguy nếu chế tạo ‘quả bom nước lớn nhất thế giới’ nhưng họ vẫn không quay đầu. Hậu quả là sinh mạng của cả dân tộc Trung Hoa đang ‘ngàn cân treo sợi tóc’ cùng Tam Hiệp. Vậy liệu “Giấc mộng Tam Hiệp” của kiến trúc sư trưởng đập Tam Hiệp sẽ trở thành sự thật?
Theo Wikipedia, Tam Hiệp được lấy tên từ 3 hẻm núi lớn theo hướng Tây – Đông, bao gồm hẻm núi Cù Đường, Võ Hiệp và Tây Lăng. Các hẻm núi này kéo dài khoảng 200km dọc theo thượng và trung lưu của sông Trường Giang. Con đập được làm từ bê tông và thép, với chiều dài 2.355m, đỉnh cao 185m trên mực nước biển, lớn gấp 5 lần so với đập Hoover của Mỹ. Công trình đã sử dụng 27,2 triệu m3 bê tông, 463.000 tấn thép, đào 102,6 triệu m3 đất. Mực nước cao tối đa của đập là 175 m trên mực nước biển, cao hơn mực nước sông ở hạ nguồn 110m, vùng hồ chứa có chiều dài trung bình khoảng 660 km và rộng 1,12 km. Vùng hồ chứa có thể tích 39,3 km3 và tổng diện tích bề mặt nước 1045 km2.
Nhiều đời lãnh đạo ĐCSTQ được cảnh báo rủi ro nhưng một mực bài xích
Năm 1919, Tôn Trung Sơn lần đầu tiên đề xuất xây đập trên sông Trường Giang, đoạn qua tỉnh Hồ Bắc để giúp bảo vệ cộng đồng dân cư ở lưu vực sông khỏi lũ lụt. Tuy nhiên, ý tưởng này đã bị bỏ dở vào năm 1947 do cuộc nội chiến giữa Quốc dân đảng và ĐCSTQ.
Nước CHND Trung Hoa ra đời năm 1950, muốn thực hiện đại nhảy vọt lên CNXH. Dưới thời cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông, các trận lũ lụt lớn đã làm sống lại ý tưởng của Tôn Trung Sơn và ĐCSTQ đã chấp thuận dự án đập Tam Hiệp vào năm 1954.
Vào năm 1954 – 1957, Chủ tịch Mao bắt đầu nhấn mạnh khẩu hiệu “nhân định thắng thiên”, và thực hiện dự án thủy lợi “Tam Môn Hiệp”. Chính phủ từ chối tiếp nhận những ý kiến phản biện của chuyên gia Hoàng Vạn Lý, Giáo sư đại học Thanh Hoa, và cũng là người sau này kiên quyết phản đối xây dựng đập Tam Hiệp.
Năm 1960, đập Tam Môn Hiệp đã tích nước nhưng hoàn toàn thất bại trong việc điều chỉnh lũ lụt, làm sạch sông Hoàng. Sau đó, không ít lần Mao Trạch Đông và lãnh đạo chính phủ nói rằng, nếu không thể khắc phục thì có thể phá bỏ đập. Tuy nhiên, chính phủ kế tục không biết thừa nhận sai lầm, rút ra bài học kinh nghiệm.
Đến cuối những năm 1980, khi Triệu Tử Dương nắm quyền Tổng bí thư, tính đến sự phản đối mạnh mẽ từ bên ngoài đảng, Triệu đã trình bày với Đặng Tiểu Bình xin đình chỉ Dự án. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình nói rằng, khởi động Dự án có những vấn đề chính trị, nhưng không khởi động thì còn nhiều vấn đề chính trị hơn, vì vậy vẫn phải khởi động.
Dự án đập Tam Hiệp còn được ủng hộ mạnh mẽ và tích cực thúc đẩy bởi Thủ tướng Lý Bằng, đứng đầu lực lượng làm điện lực và Tiền Chính Anh, Bộ trưởng thủy lợi và hệ thống liên quan. Sự hỗ trợ của hai lực lượng này để khởi động Dự án Tam Hiệp cho thấy có một nền tảng của lợi ích nhóm.
Năm 1989, Giang Trạch Dân và Lý Bằng với tư cách Tổng bí thư và Thủ tướng bắt đầu thúc đẩy dự án. Lý Bằng trong Nhật ký Tam Hiệp có viết: “Sau năm 1989, tất cả các quyết định lớn về Dự án Tam Hiệp được đưa ra bởi đồng chí Giang Trạch Dân, người đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng Dự án”.
Ngày 13/7/1990, một ngày trước khi kết thúc thảo luận về Báo cáo khả thi dự án Tam Hiệp, khi Chính Hiệp Châu Bồi Nguyên cảnh báo về rủi ro xây đập Tam Hiệp, Giang Trạch Dân đã chặn lời ông, và nói: “Dự án Tam Hiệp nhất định phải hoàn thành và sẽ mang lại lợi ích cho các thế hệ tương lai”. Châu Bồi Nguyên vẫn giữ ý kiến phản đối, sau đó chết bệnh vào năm 1992.
Tháng 4/1992, Quốc hội Trung Quốc chính thức phê duyệt dự án, nhưng 1/3 số đại biểu bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng.
Tháng 12/1994, ĐCSTQ tổ chức khởi công xây dựng đập Tam Hiệp.
Tháng 11/1997, ĐCSTQ tiến hành chặn dòng Trường Giang.
Tháng 5/2006, con đập cao 185m với khoảng 16 triệu mét khối bê tông được hoàn tất.
Hậu quả nhãn tiền gây ra sau khi xây đập Tam Hiệp
Mặc dù đập Tam Hiệp có thể tăng sản lượng điện nhưng những thiệt hại mà nó gây ra, như các vấn đề đời sống của người chuyển cư, những thiệt hại không thể khắc phục đối với vô số di tích lịch sử văn hóa, những tác động tiêu cực đến môi trường nói chung… đã không được quan tâm. ĐCSTQ muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá. Một dự án lớn như vậy, ngay cả khi buộc phải chính thức thừa nhận rằng sau một thời gian, lợi ích sẽ giảm dần, nhưng đối với các nhà hoạch định chính sách, đó là tương lai, họ sẽ để những người tương lai giải quyết.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, trong quá trình xây dựng đập, hơn 100 công nhân đã chết, và khoảng 1,3 triệu người đã phải tái định cư. Hàng chục địa điểm kiến trúc và văn hóa bị dìm sâu trong lòng hồ. Trong số các di tích này, đáng chú ý nhất là di tích của nhóm người cổ sống trong khu vực này khoảng 4.000 năm trước. Chi phí cũng tăng cao. Các báo cáo chính thức thông tin ngân sách xây dựng đập Tam Hiệp ở mức 24 tỷ USD (tương đương 556.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng, chi phí thực tế có thể cao hơn nhiều so với con số công bố, có thể lên đến 88 tỷ USD (tương đương 2 triệu tỷ đồng).
Quả bom trực nổ, ĐCSTQ thừa nhận Tam Hiệp “dịch chuyển, rò rỉ và biến dạng”
Trận lũ thứ 2 trong năm nay vào ngày 17/7 đã làm tình hình kiểm soát lũ của sông Trường Giang, sông Hoài và Thái Hồ càng thêm nghiêm trọng. Vào ngày 18/7, các hãng truyền thông chính thức của ĐCSTQ buộc phải thừa nhận rằng, đập Tam Hiệp có sự “dịch chuyển, rò rỉ và biến dạng”.
Cụ thể, theo Tân Hoa Xã, do mưa lớn nên trận lũ thứ hai đã làm gia tăng nhanh chóng mực nước trong Hồ chứa Tam Hiệp, khiến tốc độ lên tới 61.000 mét khối mỗi giây vào lúc 8 giờ sáng ngày 18/7 và lượng nước xả ra ngoài lên tới 33.000 mét khối mỗi giây. Hiện tại, mực nước của Hồ chứa Tam Hiệp là khoảng 160 mét, vượt mức giới hạn lũ lụt 15 mét.
Truyền thông Trung Quốc mới đây thậm chí lấy tiêu đề bài báo là “Đập Tam Hiệp đã làm hết sức, xin đừng đổ lỗi cho nó nữa” để đưa tin về tình hình lũ lụt của đập Tam Hiệp, làm cho người dân Trung Quốc vô cùng hoảng sợ, và thắc mắc rằng chẳng lẽ đập Tam Hiệp đã bị “kết án tử hình”?
Vào lúc 8h20 sáng 20/7, ĐCSTQ đã mở 7 cửa toàn lực xả lũ để đối phó với đợt lũ lớn hơn sắp tới để bảo vệ đập Tam Hiệp mà không tính tới tình hình thảm họa thiên tai ở các tỉnh vùng hạ lưu sông Trường Giang.
Theo thống kê của chính quyền Trung Quốc hôm 19/7, trong tháng 7 có khoảng 23,86 triệu dân tại 24 khu vực cấp tỉnh trên khắp quốc gia này đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt. Trong đó, hơn 2 triệu người đã phải di tản vì lũ lụt, trên 150 nghìn ngôi nhà bị phá hoại và thiệt hại về kinh tế khoảng 9,19 tỷ USD (tương đương 209.000 tỷ đồng).
“Giấc mộng Tam Hiệp” của kiến trúc sư trưởng đập Tam Hiệp
Ông Phan Gia Tranh được mệnh danh là “kiến trúc sư trưởng của đập Tam Hiệp”, và là một chuyên gia hàng đầu về thủy lợi. Ông Phan biết rõ mối nguy của Dự án Tam Hiệp và đã liệt kê ra đến 20 khuyến cáo coi là không phù hợp để xây dựng con đập, nhưng vì được “giúp đỡ giáo dục”, ông đã khuất phục trước áp lực chính trị và còn trở thành chuyên gia hàng đầu của Dự án…. Sau khi công trình Tam Hiệp hoàn thành, hậu quả đã là trông thấy.
Chính vì vậy, ông Phan Gia Tranh đã mang một gánh nặng tinh thần. Khi về già, ông đã cho ra đời cuốn sách “Giấc mộng Tam Hiệp” với hy vọng làm vơi nhẹ phần nào gánh nặng trong lòng.
Ông kể rằng ông từng gặp một cơn ác mộng, trong cơn ác mộng ấy ông thấy mình bị dẫn độ ra ‘Tòa án quốc tế về sinh thái môi trường’. Tại đó ông bị thẩm vấn, bị buộc tội và cuối cùng bị tuyên án. Lời tuyên án ghi rõ, bị can Phan Gia Tranh bị khai trừ khỏi loài người, bị ném xuống ma đạo, dẫn đến địa ngục, phải chịu mọi cảnh đau đớn khôn nguôi…
Trước tình hình con đập đang ‘ngàn cân treo sợi tóc’, “Giấc mộng Tam Hiệp” của kiến trúc sư trưởng đập Tam Hiệp dường như lại tất nhiên sẽ thành sự thật!
Lương Phong (t/h)