Một trong những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra do sự gia tăng khủng hoảng Ukraine ngoài căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, là sự giảm tương tác giữa Moscow và Washington về không phổ biến hạt nhân, tờ Politico ngày 1/5 dẫn lời biên tập viên Bryan Bender bình luận.
Theo Bender, không thể không chú ý đến những thực tế khó khăn và đầy nguy hiểm rằng sau 25 năm kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Nga và Mỹ vẫn có gần 2.000 quả bom hạt nhân sẵn sàng được sử dụng bất cứ lúc nào để tiêu diệt lẫn nhau.
Trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine gia tăng, mối lo ngại về sự ngờ vực sâu sắc giữa hai kẻ thù kỳ cựu Nga-Mỹ có thể thúc đẩy hành động sai lầm dẫn tới một thảm họa hạt nhân cũng theo đó gia tăng.
“Căng thẳng giữa Nga và phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine đã đẩy hai bên đến gần hơn bờ vực của thảm họa hạt nhân”, Bender nói.
Ông dẫn lời tướng James Cartwright, người giám sát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ cho đến năm 2011 cho biết, giữa Washington và Moscow có thể xảy ra một cuộc đối đầu hạt nhân do lỗi tin tình báo hoặc hiểu sai tín hiệu của đối phương. Nguyên do là các chương trình hợp tác giữa Nga và Mỹ về vấn đề hạt nhân đã trở thành nạn nhân của cuộc khủng hoảng Ukraine.
Lo ngại về khả năng xảy ra xung đột hạt nhân giữa Nga và Mỹ xuất hiện trong bối cảnh hai nước đã đình chỉ một số nỗ lực chung nhằm làm giảm sự lây lan của các loại vũ khí hạt nhân, từ bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí được thiết kế nhằm giảm hơn nữa kích thước kho vũ khí hạt nhân của họ do khủng hoảng Ukraine.
Gần đây, các cuộc đối đầu căng thẳng giữa máy bay của Nga và Mỹ cũng gia tăng. NATO ghi nhận sự tăng cường đáng kể các chuyến bay ngăn máy bay Nga, gồm cả những chiếc máy bay ném bom chiến lược có khả năng mang vũ khí hạt nhân tiếp cận không phận của họ.
Năm ngoái, một vị tướng cấp cao của Nga cũng đã đề cập đến khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn các động thái quyết liệt từ NATO. Một số quan chức Nga cũng đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột tương lai do khủng hoảng Ukraine gây ra.
Đó là lý do tại sao, theo đề nghị của tướng Mỹ về hưu, Moscow và Washington phải nhanh chóng tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm tránh các quyết định sai lầm. Bởi trong quá khứ đã từng xảy ra một số sự cố do nhận được tín hiệu sai. Tuy nhiên, may mắn là chưa có sai lầm nghiêm trọng nào xảy ra.
Năm 1995, một tên lửa thời tiết Na Uy đã bị nhầm lẫn với một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ vào Nga. Tổng thống Nga Boris Yeltsin sau 4 phút suy nghĩ đã quyết định không trả đũa.
Năm 2010, phi hành đoàn tên lửa của Mỹ bị mất liên lạc trong một giờ dẫn tới các hoài nghi rằng có thể nó đã trở thành nạn nhân của một vụ tấn công. Tuy nhiên, kết quả của một cuộc điều tra kỹ lưỡng sau đó cho thấy nó thực chất bị mất tín hiệu do lỗi kỹ thuật.
|