Nền kinh tế của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus Vũ Hán, rất nhiều người thất nghiệp, những người sinh sau những năm 1990 cũng mất việc làm. Nhiều người thất nghiệp không dám nói với gia đình, mỗi ngày họ vẫn đi sớm về muộn, khiến người nhà tưởng rằng họ vẫn đang bận rộn với công việc.
Sau khi đại dịch bùng phát ở Trung Quốc, nhiều ngành công nghiệp ở Đại lục đã bị ảnh hưởng nặng nề, và một số công ty đã phải sa thải nhân viên để vượt qua khó khăn.
Theo báo cáo của “Tuần báo Phượng Hoàng” vào ngày 12/10, một người tên là Tiểu Lý ở Thành Đô, là người sinh sau năm 1990, cô tốt nghiệp đại học năm 2017, và đã thất nghiệp trong 3 tháng nay. Để bố mẹ không biết, cô và bạn cùng phòng “truyền tai nhau”, ngày nào cũng đi sớm về muộn, bỏ ra vài đồng để ngồi cả ngày ở cửa hàng tiện lợi.
Trên mạng xã hội MaiMai (mạng xã hội có hơn 80 triệu người dùng), một cư dân mạng giấu tên đang thất nghiệp cho biết: Tháng 7 không có việc làm, phỏng vấn cũng không có nên chỉ biết tìm công viên để ở, tạo ra ảo giác rằng mình đang tiếp tục đi làm.
Những người thất nghiệp phân bố ở khắp các thành phố lớn ở Trung Quốc. Blogger “Wanqudalao” đăng trên Weibo nói rằng, rất nhiều người trưởng thành đã mất việc, và không muốn cho người nhà biết.
Một cư dân mạng cho biết: “Giả vờ đi làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, và trốn trong thư viện. Các thư viện lớn nhỏ các nơi ở Thâm Quyến ngày nào cũng kín chỗ”; “Gần nhà tôi có một thư viện lớn, trước đây không có người, bạn có thể ngồi chỗ nào cũng được. Năm nay có rất nhiều người đến cùng với máy tính, tối muộn vẫn không có chỗ để ngồi”.
Những người thất nghiệp này, một số đã tốt nghiệp đại học khoa chính quy, một số có bằng thạc sĩ, đa số là thanh niên nhưng cũng có người trung niên, đặc điểm chung của họ là sau khi thất nghiệp không dám nói với gia đình, cho dù là sống dưới cùng một mái nhà, cùng một thành phố, hay nhà ở Đông Quan, họ sẽ nói họ làm việc chăm chỉ ở Quảng Châu, trừ phi không thể giữ bí mật.
Một số người trẻ tuổi sau khi mất việc trở nên rất bối rối. Tiểu Lý nói: “Sau khi sự tình không thuận lợi, tôi bắt đầu trở nên mê tín, thầy toán mệnh đã an ủi tôi rất nhiều”.
Một số thanh niên thất nghiệp thì tạo ra ảo giác về sự bận rộn, chẳng hạn như lên mạng viết nhật ký mỗi ngày, chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc của bản thân sau khi thất nghiệp, và buộc bản thân không được nhàn rỗi.
Họ đều cho biết, áp lực lớn nhất lúc này là tiền nhà, công việc không còn, thu nhập bị cắt, chỉ còn biết trông chờ vào tiền tiết kiệm, có người tiêu hết tiền dành dụm rồi, đành phải lên Taobao để vay tiền.
Thị trường việc làm ở Trung Quốc đại lục đang phải đối mặt với áp lực rất lớn trong năm nay, đầu tiên là một số lượng lớn sinh viên tốt nghiệp đại học. Theo chính quyền ĐCSTQ, số sinh viên tốt nghiệp đại học năm nay đã tăng 400.000 so với năm ngoái, đạt 8,74 triệu người, là mức cao kỷ lục. Nền tảng tuyển dụng ở đại lục Liepin vào tháng 4 cho biết, đây là “mùa tuyển dụng khó khăn nhất trong lịch sử”.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của bệnh dịch và suy thoái kinh tế, khiến việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày càng căng thẳng, tất cả đều tác động xấu đến cơ hội tìm việc làm.
Vài ngày trước, có trường hợp nhiễm virus Vũ Hán mới đã được xác nhận ở Thanh Đảo, Sơn Đông. Có bệnh viện đã bị đóng cửa, và các nhân viên có liên quan đã bị cách ly. Tổng thống Trump đã nói rõ, một khi tái đắc cử, ông sẽ tiếp tục áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc.
Trước tình hình tìm việc khó khăn, thủ tướng Lý Khắc Cường trong Hội nghị thường vụ Quốc vụ viện vào ngày 9/10 đã nói rằng: “Ổn định việc làm là công tác chính của chính sách ‘6 ổn định’, cũng là nhiệm vụ chính”; “Tình hình việc làm hiện nay còn tương đối gay gắt, áp lực bảo đảm việc làm vẫn còn rất lớn”.
Nhà bình luận Vương Kiếm từng nói rằng, ĐCSTQ đã thay từ “ổn định việc làm” bằng “bảo đảm việc làm”, biểu thị rằng việc làm đã không thể bảo đảm được nữa, cho thấy tình hình việc làm ở Đại lục là vô cùng nghiêm trọng, điều này có thể được chứng minh bằng cách nhìn vào số lượng người tìm việc làm trên đường phố ở các thành phố lớn.
Minh Huy