Carmen Mendoza, một phụ nữ Venezuela đã đến New York để thăm con gái Anabella và cũng để mua giấy vệ sinh, xà phòng, kem đánh răng, đậu, bột ngô, cá ngừ, aspirin…
Bà Carmen Mendoza 66 tuổi, đã không thể tìm thấy được những sản phẩm trên ở đất nước bà đang sống: Venezuela.
Venezuela đang phải chịu đựng tình trạng thiếu hụt thực phẩm và thiết bị y tế nghiêm trọng. Trong khi đó tỉ lệ tội phạm và các cuộc biểu tình lớn đòi Tổng thống Nicolas Maduro phải từ chức đang tăng cao.
Bà Mendoza không phải trường hợp hiếm hoi. Năm ngoái có khoảng nửa triệu người dân Venezuela đến Hoa Kỳ để mua các nhu yếu phẩm.
“Đó là một minh chứng cho tình trạng đất nước ngày càng xấu đi”. Beatriz Ramos, một doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ của Venezuela đang sống tai New York cho biết. Ông đã tiếp khoản 60 người bạn từ Venezuela trong năm nay. ”Mọi thứ đang dần trở nên ngày càng tồi tệ hơn”.
Ramos, Mendoza và những người khác vẫn tin rằng cuộc sống ở Venezuela sẽ không mãi như vậy nhưng họ không mấy lạc quan với khả năng tình hình có thể được cải thiện sớm.
Ủy ban Bầu cử Quốc gia Venezuela vừa công bố rằng họ sẽ cung cấp cho các nhà lãnh đạo đối lập ba ngày vào cuối tháng 10 để thu thập đủ chữ ký cần thiết cho một cuộc trưng cầu bầu cử tổng thống – một cuộc bỏ phiếu nhằm loại bỏ ông Maduro.
Các đối thủ của ông Maduro cần 20% số cử tri đăng ký để ký đơn thỉnh nguyện và sau đó cuộc trưng cầu dân ý sẽ tổ chức vào đầu năm 2017.
Một số người Venezuela như Emesto Chang, người sở hữu một nhà hàng tin rằng cuộc sống tồi tệ này sẽ kéo dài ít nhất thêm 5 năm nữa. Ông đã đem vợ và 4 đứa con đến Hoa Kỳ vào hồi tháng 9 vừa qua. Chang và gia đình ông đã bay đến Miami, sau đó mất 28 giờ để đi xe lửa đến New York.
Bắt đầu cuộc sống mới với các anh em ở New York, Chang nhận ra cuộc khủng hoảng ở Venezuela đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các con của mình. “Mặc dù những đứa trẻ rất ngây thơ, nhưng chúng vẫn liên tục hỏi tôi mỗi khi đi siêu thị: Tại sao các siêu thị ở Venezuela không giống như thế này?”, Chang nói. ”Tôi muốn mang tất cả mọi thứ về nhà, từ thực phẩm cho đến vật tư y tế”.
Trước chuyến đi của ông đến Hoa Kỳ, đứa con trai 2 tuổi của ông bị ốm và ông đã đi khắp 7 nhà thuốc để tìm mua 1 vỉ penicillin nhưng không được, cuối cùng một người hàng xóm đã cho ông mượn.
Chang và Mendoza đều nói rằng họ thuộc tầng lớp trung lưu ở Venezuela. Nhưng ngay cả cuộc sống trung lưu ở Venezuela lúc này cũng khá chật vật khi thiếu các mặt hàng cần thiết cho cuộc sống.
Việc đến Hoa Kỳ đối với người Venezuela cũng lại là một cơn ác mộng khác. Không có chuyến bay trực tiếp, không có hãng hàng không nào chịu chấp nhận đồng Bolivar của Venezuela, vì nó đã trượt giá trầm trọng. Người dân phải sử dụng tiền USD tiết kiệm hoặc dựa và sự giúp đỡ của người thân ở Mỹ.
Năm năm trước đây, khi nền kinh tế Venezuela vẫn đang ổn định Chan đã kiếm được khoảng 200USD/tháng, một thu nhập ông có thể sống ổn. Nhưng thu nhập của họ đã sa sút khi lạm phát tăng vọt ở Venezuela. Riêng trong năm nay, quỹ tiền tệ thế giới IMF dự báo lạm phát tại Venezuela sẽ tăng 700%.
Mendoza từng mơ ước bà sẽ được nghỉ hưu ở độ tuổi này. Nhưng sau 2 lần bị cướp, tiền tiết kiệm của bà đã cạn kiệt và bà phải tiếp tục làm việc. Con gái bà Anabella đã giúp đỡ chi phí máy bay cho bà đến Mỹ.
Trong thời gian rảnh rỗi, Mendoza đi biểu tình cùng với cậu con trai 25 tuổi nhằm phản đối chính sách của nhà nước, họ thường xuyên phải nhận lấy những quả bom xăng từ phía cảnh sát. “Không có bất kỳ nơi nào ở Caracas bạn cảm thấy an toàn”, bà nói.
Khi được hỏi những gì bà nhớ nhất ở New York khi trở về Venezuela? Mendoza nói: ”Tôi sẽ không còn những buổi chiều tản bộ, bởi bạn sẽ không được an toàn nếu làm điều đó ở Venezuela”.
Hoàng An, Theo CNN