Hôm 2/11, Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ và nhiều chuyên gia nhận định không có “bằng chứng trực tiếp” nào cho thấy thảm kịch rơi máy bay Nga tại Ai cập là do khủng bố thực hiện, và video do tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS) tự xưng tung ra có thể là cảnh quay từ nhiều năm trước.
Ngay sau khi chiếc máy bay chở 224 người của Nga rơi ở Sinai, Ai Cập, ISIS công bố video quay cảnh một phi cơ bị bắn hạ, và khằng định chính họ đã thực hiện vụ này nhằm trả đũa lại các cuộc không kích của Nga tại Iraq và Syria. Thảm kịch trên khiến toàn bộ 224 người trên máy bay thiệt mạng.
Tuy nhiên, Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ James Clapper phát biểu tại một hội nghị quân sự ở Washingon, Mỹ, hôm 2/11 rằng, không có dấu hiệu cho thấy ISIS thực hiện vụ không kích máy bay Nga. “Chúng ta chưa có bất kỳ bằng chứng cụ thể nào cho thấy các tổ chức khủng bố có dính líu đến vụ rơi máy bay trên”.
Tại hội nghị trên, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố quốc gia Nicholas Rasmussen cho hay, Mỹ đang tiến hành các cuộc điều tra, đồng thời tái khẳng định, “tại thời điểm này, chúng ta không có bất kỳ thông tin tình báo nào cho thấy vụ rơi máy bay trên có liên quan đến khủng bố”.
Cùng ngày 2/11, tờ Express dẫn lời cựu phi công không quân Hoàng gia Anh Steve Chadwick cho biết, tuyên bố từ nhóm khủng bố chỉ là một nỗ lực lố bịch nhằm nâng cao hình ảnh của nhóm, trong thời điểm chúng liên tục thất thế ở các mặt trận Iraq và Syria thời gian gần đây.
“Loại máy bay trong video không phải là Airbus 321. Mặc dù cảnh quay không cho thấy rõ, tôi vẫn có thể nhận thấy đó là máy bay có động cơ dưới đuôi trong khi máy bay gặp nạn được lắp động cơ ở dưới cánh”, ông Chadwick nhận định.
Một minh chứng nữa cho thấy tính giả dối của đoạn video là việc nó được quay từ buồng lái của một máy bay khác chứ không phải từ mặt đất như ISIS tuyên bố. Bên cạnh đó, nếu chiếc máy bay trúng tên lửa đất đối không, nó sẽ tan thành nhiều mảnh ngay trên bầu trời chứ không chỉ bốc cháy rồi rơi xuống như trong video.
Cựu phi công với 26 năm kinh nghiệm này cũng khẳng định, chiếc máy bay trong đoạn video bay thấp hơn rất nhiều so với độ cao 10.000m của máy bay thương mại.
Ông Chadwick cho rằng, cảnh quay chiếc máy bay bốc cháy thành quả cầu lửa giữa không trung do ISIS tung ra gần đây có thể được lấy từ một đoạn băng nào đó được lưu trữ từ thập niên 1960.
Chung ý kiến với ông Chadwick, chuyên gia bảo mật Will Geddes cho hay, với kỹ thuật hiện nay, ISIS có thể quay những cảnh có độ nét cao hơn nhiều, do đó rất có thể đoạn video trên là những cảnh quay từ nhiều năm trước.
Thêm vào đó, việc bắn hạ một chiếc máy bay từ độ cao 9.000m là điều dường như bất khả thi, đòi hỏi hệ thống rađa di động và tên lửa tầm xa, những khí tài mà ISIS hiện không được trang bị.
Phó giám đốc hãng hàng không Nga Metrojet Alexander Smirnov trước đó đã khẳng định, chiếc máy bay Airbus 321 không hề gặp bất cứ trục trặc kỹ thuật nào mà bị rơi do “tác động từ bên ngoài trong khi bay”.
Theo Tuổi Trẻ