Tinh Hoa

Khu tập thể 40 năm tuổi ở Hà Nội được trẻ hóa bằng bích họa 3D khổng lồ

Những ngày gần đây, người dân sống gần khu Pháo Đài Láng, Hà Nội ngỡ ngàng khi chứng kiến những bức tường cũ trong khu tập thể Phụ nữ Trung ương (39 Pháo Đài Láng, tổ 46, phường Láng Thượng) lần lượt được khoác lên mình những “chiếc áo mới” – bích họa 3D khổng lồ.

Làng bích họa này một phần trong dự án Nghệ thuật Kiến tạo Cộng đồng do kiến trúc sư Tạ Hương làm trưởng dự án. Bản thân chị Hương cũng là cư dân của khu tập thể và từ lâu chị đã có nguyện vọng sửa chữa và cải tạo khu tập thể này. Sau khi bàn bạc với cư dân và chính quyền địa phương, được sự chấp thuận và ủng hộ, chị Hương đã kêu gọi tài trợ và sự tham gia của những họa sĩ cùng tâm nguyện.

Công ty TNHH Thiết kế Kiến Họa với các họa sĩ trẻ đầy nhiệt huyết đến từ Sài Gòn đã nhận lời mời của chị, và dự án cũng nhận được tài trợ sơn từ một hãng sơn lớn. Bà con trong khu tập thể hưởng ứng, góp ý về các tác phẩm và tạo điều kiện để nhóm thi công triển khai các tác phẩm của mình nhanh nhất và hoàn mỹ nhất có thể. Dự án bắt đầu được triển khai từ tháng 11/2017 và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 1/2018.

Khác với các khu vực khác, địa điểm thi công thường là nơi công cộng hoặc là trong một vùng quê có diện tích rộng nhưng Tam Thanh – “Làng bích họa 3D” lại nằm trọn trong khu tập thể đông đúc dân cư giữa khu phố lúc nào cũng sầm uất, hối hả. Chính vì vậy, những người thực hiện dự án cũng mong muốn các bức tranh này sẽ mang lại cho người dân nơi đây những khoảng lặng và hoài niệm về một thời Hà Nội nhẹ nhàng, không mấy bon chen, bình dị, tươi mát… đưa người xem thoát khỏi sự bộn bề hối hả của cuộc sống thường nhật, được tĩnh tại…

Tranh vẽ khá đa dạng chủ đề phù hợp với các đối tượng thưởng thức khác nhau: Từ đường phố Hà Nội thời còn những tiếng tàu điện leng keng, những khu chợ hoa nhộn nhịp về tết, thiếu nữ Hà Nội dịu dàng trong tà áo dài và nón lá, cho đến những thửa ruộng thênh thang, đến những cánh rừng nhiệt đới xanh mướt và đại dương bao la và rồng vàng uy nghiêm,… Bên cạnh đó, nhiều người cao niên trong khu tập thể mong muốn có một bộ bức tranh Long, Ly, Quy, Phụng mang yếu tố tâm linh.

Mỗi bức họa cần từ 3-5 ngày để hoàn thành, chưa kể thời gian xử lý bức tường. Vì các bức vẽ ngoài trời trên nền tường đã kém và quá cũ, nên chất lượng tranh cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Dự kiến mỗi bức sẽ có tuổi thọ khoảng 3 năm và cần phải định kỳ bảo trì và tu sửa.

Người dân trong khu tập thể rất quan tâm đến dự án và thích thú với những tác phẩm này, nhất là người già, họ được ngắm và kể lại ký ức một thời của họ, còn trẻ nhỏ thì chạy lăng xăng chỉ trỏ góc này góc kia trong bức họa và thích thú vui đùa.

Thanh Tuyên, một thành viên của dự án cho hay nhóm của anh ra Hà Nội đúng vào đợt rét, vốn không chịu được cái lạnh, cùng với sự khác biệt về sinh hoạt, nên một vài bạn cũng muốn trở về trong Nam sớm. Xong vì niềm đam mê công việc và hiểu được ý nghĩa của công việc mình đang làm, nhóm của anh đã cùng nhau nỗ lực và phối hợp tốt để triển khai dự án hiệu quả.

“Đây là dự án đầu tiên của bọn mình về Hà Nội nên còn nhiều bỡ ngỡ. Cả nhóm không dám đưa ý tưởng quá bay bổng, chỉ đơn thuần các cụ kể gì bọn mình vẽ lại như thế. Có tàu điện ngầm, những đứa bé đu tàu, cô gái trẻ,… những khung cảnh của quá khứ đã giúp bọn mình làm nên bức tranh tổng thể về văn hóa của Thủ đô”, Thanh Tuyên chia sẻ thêm.

Bùi Thành Trung (21 tuổi): “Tụi mình làm dự án này chủ yếu trước hết để cống hiến cho người dân trong khu phố, sau là để hoàn thiện khả năng hội họa. Mình vẽ chính là graffiti, hầu hết dùng sơn nước ngoài. Nhóm thường bắt đầu làm việc từ 9h đến 6-7h tối. Cảm thấy mình làm được 1 bức vẽ mà tất cả mọi người đều khen mình rất là thích”.

Một họa sĩ cho hay vì đây là dự án cộng đồng, nên trong quá trình thực hiện, nhóm ghi nhận sự đóng góp của người dân và đôi khi có sự sửa đổi cho phù hợp thị hiếu của người dân.

Từ ngày khu tập thể khoác “màu áo mới”, các ông các bà ai cũng phấn khởi, hân hoan. Lũ nhỏ được dịp “mắt tròn mắt dẹt” vì bỗng nhiên chỗ vui chơi ngày thường nay sao mà mới mẻ quá. “Đẹp lắm! Nhìn khu phố sống động với vui tươi hẳn lên, bà rất thích. Các bạn cứ vẽ suốt ngày không kịp ngưng tay, nhiều khi bà quay ra bảo chúng nó tranh thủ nghỉ ngơi tí rồi vẽ sau”, một cụ bà đang đi bộ thể dục chia sẻ.

Con đường trong khu tập thể mà ngày thường người dân vẫn đi qua giờ được “khoác” lên mình những bộ áo mới. Một dáng dấp của Hà Nội xưa và nay như hòa trộn cô đọng trong vài nét vẽ.

Để cảm nhận, tìm lại về một Hà Nội xưa cũ mà với nhiều người giờ có lẽ chỉ là những hoài niệm, một ngày nào đó bạn hãy ghé thăm khu tập thể nhiều năm tuổi này, để cảm nhận một Hà Nội xưa rất thơ, rất bình yên và dễ mến nơi vừa được khoác những chiếc áo 3D từ những kỷ niệm đầy hoài niệm này nhé.

Chúc Di (t/h)