Mới đây, vào ngày 17/2, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định số 226/QĐ-TTg, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh) đến năm 2040.
Theo quyết định, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển đảo cao cấp, khu dịch vụ tổng hợp, trung tâm công nghiệp giải trí có casino. Ngoài ra, phát triển Vân Đồn trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế.
Bên cạnh đó, Vân Đồn được phát triển thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh và là khu vực có vị trí chủ chốt về an ninh quốc phòng của đất nước.
Theo quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Vân Đồn với 2.171,33km2. Trong đó, diện tích đất tự nhiên là 581,83km2, diện tích vùng biển là 1.589,5km2.
Theo dự báo, đến năm 2030, huyện Vân Đồn có dân số khoảng 140.000-200.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 90.000-140.000 người.
Nhu cầu đất sử dụng để xây dựng các khu chức năng khoảng 5.500ha. Đến năm 2040 nhu cầu sử dụng đất khu chức năng dự kiến sẽ tăng lên 12.050ha.
Theo quy hoạch, khu kinh tế Vân Đồn có cấu trúc phát triển không gian chia theo 2 vùng là đảo Cái Bầu và quần đảo Vân Hải, định hướng thành 5 vành đai phát triển gồm:
- Vành đai khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp
- Vành đai khu du lịch sinh thái gắn với di sản thiên nhiên
- Vành đai khu đô thị dịch vụ, khu văn hoá và vui chơi giải trí (phía Đông đảo Cái Bầu)
- Vành đai dịch vụ, thương mại công nghiệp, công nghệ cao và dịch vụ hậu cần (phía Tây đảo Cái Bầu)
- Vành đai dự trữ phát triển và mở rộng phía Tây (thuộc địa giới thành phố Cẩm Phả và huyện Tiên Yên).
Trong đó, Đảo Cái Bầu được tổ chức thành 6 khu vực phát triển gồm: Khu vực Cái Rồng; khu vực bán đảo Cổng chào; khu vực sân bay (phía Tây đảo Cái Bầu); khu vực Bắc Cái Bầu; khu vực Đông Bắc Cái Bầu; khu vực đồi núi đảo Cái Bầu.
Về dịch vụ hiện đại, Vân Đồn tập trung phát triển và kinh doanh cảng hàng không, vận tải hàng không, đẩy mạnh phát triển ngành logistics để trở thành cửa ngõ chung chuyển hàng hóa vào khu vực Đông Nam Á.
Về định hướng phát triển các ngành, Vân Đồn tập trung phát triển du lịch, khai thác có hiệu quả tiềm năng về di sản thiên nhiên, di sản văn hóa truyền thống kết hợp với xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch đồng bộ.
Từ Nguyên (t/h)