Tinh Hoa

Không thể cầm máu được vì bị rắn lục đuôi đỏ cắn

Bị rắn lục đuôi đỏ cắn trong lúc làm ruộng, ông Prah chỉ đắp lá thuốc. Hai ngày sau, vết thương rắn cắn ở tay trái không ngừng chảy máu, ông phải nhập viện cấp cứu.

Ông Prah đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: V.Trang

Ngày 13/7, trong lúc làm ruộng, ông Đinh Prah (Bình Định) bị rắn lục đuôi đỏ cắn ở cổ tay trái. Nông dân này không nhập viện điều trị mà tự đắp thuốc ở nhà. Hai ngày sau, vết thương rắn cắn không ngừng chảy máu, gia đình đưa ông đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng xuất huyết nặng.

Theo các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, ông Prah bị rối loạn đông máu do rắn lục đuôi đỏ cắn. Nạn nhân được điều trị tiêm huyết thanh kháng nọc rắn, truyền 250 ml máu toàn phần. Đến chiều 16/7 mặc dù vết thương rắn cắn của ông Prah đã ngưng chảy máu nhưng cơ thể vẫn thiếu nhiều tiểu cầu nên phải tiếp tục truyền máu bổ sung.

Rắn đuôi đỏ

Bác sĩ Võ Bảo Dũng, Trưởng khoa Nội Tổng hợp Bệnh viện đa khoa Bình Định cho hay, gần đây số bệnh nhân bị rắn cắn có chiều hướng giảm song một số nạn nhân nhập viện điều trị với biến chứng rất nặng, có cả tình trạng đông máu rải rác trong lòng mạch.

Rắn lục đuôi đỏ tên khoa học là Trimeresurus albolabris, có ở hầu hết tỉnh thành Việt Nam. Chiều dài thân con đực 600 mm, con cái 810 mm. Thân của chúng tròn, có các vảy gồ lên. Đầu và thân chúng có màu xanh lá cây, cằm, cổ họng và bụng màu xanh lục nhạt hay trắng vàng nhạt.

Tháng 11/2014, loài rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ngày càng nhiều ở các địa phương như Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Thanh Hóa, Nghệ An… Chúng liên tục cắn người.

Theo các chuyên gia y tế, rắn lục cắn thường gây sưng, đau nhức, nặng có thể hoại tử. Nếu nạn nhân bị tổn thương toàn thân có thể rối loạn đông máu (chảy máu hoặc tạo những cục máu đông trong mạch máu).

Khi bị rắn cắn, những người xung quanh cần động viên, trấn an để người bệnh đỡ lo lắng, hốt hoảng, không để tự đi lại. Nếu bị cắn ở tay, cần cố định bàn tay, cẳng tay, dùng khăn hoặc dây quàng lên cổ người bệnh. Nếu bị rắn cắn ở chân cần cố định bàn chân, cẳng chân, đùi. Dùng dây vải hoặc băng vải cố định hai chân. Khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ điều kiện cấp cứu. Không được băng ép, không ga rô, không chích rạch, giác hút, đắp lá vết cắn…

Theo VnExpress