“Vì tôi yêu Việt Nam”, CEO Nguyễn Tử Quảng của Bkav đã khéo léo gắn lòng yêu nước với động lực sản xuất ra Bphone. Điều này khiến cho nhiều người hô hào ủng hộ Bphone bằng mọi giá vì “Đó là sản phẩm của Việt Nam” và “Không ủng hộ Bphone là không có tinh thần dân tộc”.
Nhưng, thế nào mới là tinh thần dân tộc?
Steve Jobs không yêu nước?
Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama hỏi Steve Jobs rằng: “Phải làm sao để Iphone có thể sản xuất tại Mỹ?”
Người đứng đầu Apple đã không ngần ngại trả lời: “Việc làm đó không thể trở lại nước Mỹ được. Chúng tôi không có trách nhiệm phải giải quyết vấn đề của nước Mỹ. Chúng tôi chỉ có nhiệm vụ sản xuất ra sản phẩm tốt nhất cho khách hàng”.
Đó có phải là hành động không yêu nước của Steve Jobs?
Khoan trả lời, hãy nhìn vào sự hâm mộ của toàn thế giới giành cho Apple, nhìn vào số tiền mà Iphone mang về cho nước Mỹ và hình ảnh nước Mỹ được góp phần nâng cao ra sao khi Iphone nổi tiếng.
Nếu trước hết Apple nghĩ tới nước Mỹ để rồi sản xuất Iphone ngay tại quê hương, hệ lụy chắc chắn sẽ xảy ra:
1. Giá bán cao hơn do những chi phí như tiền thuê nhân công lớn.
2. Khó có thể sản xuất số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu trong thời gian ngắn.
Chỉ 2 điều này thôi đã ảnh hưởng cực lớn đến khả năng cạnh tranh của Apple và giảm khả năng tiếp cận sản phẩm của rất nhiều người trên thế giới.
Như vậy, yêu nước một cách mù quáng có thể đóng góp cho đất nước ít đi hay thậm chí làm hại đất nước. Cái tình yêu nước đó có còn nhiều ý nghĩa?
Bkav yêu nước như thế nào?
Với sự ra đời của Bphone, ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng: “Việt Nam không còn là vùng trũng về công nghệ nữa” và rằng “Bphone là siêu phẩm hàng đầu thế giới”.
Nhưng dù có làm gì thì làm, mục đích cao nhất của người chào hàng là vẫn phải làm cho người mua tin vào lời nói của mình để quyết định chi tiền. Bphone đã lấy niềm tin ra sao?
Tuy trong mọi sự so sánh, Bphone đều mang Iphone ra để chứng tỏ sự vượt trội, nhưng thực tế người ta cảm thấy Bphone là người hâm mộ của Iphone thì đúng hơn.
Bphone giống Iphone ở quá nhiều điểm: Giống từ cái tên điện thoại cho đến tên hệ điều hành (lấy tên là BOS dù thực chất là Android), giống từ cách ăn mặc đến từ ngữ của CEO trong buổi ra mắt, hộp đựng giống, củ sạc giống, mặt sau máy giống, viền máy giống Iphone 4 – chiếc máy ra đời năm 2010 (năm mà Bkav bắt đầu nghiên cứu Bphone).
Không ai hạ thấp đối thủ bằng cách bắt chước đối thủ cả, đó là lý thuyết căn bản. Hãy nhớ lại Apple tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ như thế nào.
Apple nhảy vào thị trường điện thoại khá muộn, đó đang là thời hoàng kim của Nokia. Dù Iphone có được giới thiệu đẹp đến mấy, không nhiều người tin Apple có thể soán ngôi Nokia và lời tuyên bố “Iphone sẽ đi trước công nghệ thế giới vài năm” của Steve Jobs thì càng khó tin hơn nữa.
Cuối cùng thì sao, “Quả táo cắn dở” đã đi theo hướng hoàn toàn khác với các hãng điện thoại nói chung và ông trùm Nokia nói riêng: Nokia vô địch về sự đa dạng với vô vàn model cho người sử dụng, Iphone chỉ ra đúng một kiểu dáng. Trong khi Nokia và các hãng còn loay hoay với việc cải tiến điện thoại nút bấm thì Iphone phát triển 1 loại máy chỉ có màn hình. Các hãng khác dùng Android thì Iphone dùng phần mềm riêng IOS. Mọi thứ đều khác biệt.
Tuy thế, chừng đó vẫn chưa thể làm hài lòng tất cả, người ta đua nhau đi tìm điểm yếu của Iphone, từ màn hình dễ bám bẩn, thời lượng pin không lâu… Ngay cả khi Iphone đã thành công vang dội, Ipad lúc ra mắt cũng bị chê tơi bời. Sự nghi ngờ luôn tồn tại, nhưng những nghi ngờ đó vẫn không bằng được những tính năng vượt trội để hấp dẫn người dùng xếp hàng mua sản phẩm của Apple.
Còn Bphone dập tắt sự nghi ngờ bằng những gì?
“Siêu phẩm hàng đầu thế giới” có cấu hình khá mạnh, nhưng nó chỉ ngang với nhiều dòng điện thoại Trung Quốc (giá rẻ hơn nhiều) và người dùng thừa biết rằng: cấu hình khủng chưa chắc đã đem lại một chiếc điện thoại mạnh.
Tiếp sau là hàng loạt sự cố: Ghép ảnh để quảng cáo cho Camera, nhạc “độc quyền” rất giống đạo lại một bài hát quốc tế, chơi game thử trục trặc…
Ngay cả giá tiền mà Bphone cho là “Không thể tin nổi” : “Chỉ có 9.990.000 cho một siêu phẩm” thực chất cũng không phải giá mà người tiêu dùng có thể sở hữu (vì chưa tính 10% VAT).
Bphone không bán hàng tại các hệ thống Siêu thị điện máy để giảm chi phí, nhưng người mua không cảm thấy lợi ích từ việc này khi họ phải chịu phí vận chuyển 200 ngàn nếu không ở Hà Nội và TpHCM. CEO Tử Quảng nói có thể trả lại hàng trong 14 ngày, nhưng thực tế là người dùng phải mất 500 ngàn nếu lý do đơn thuần là không thích. Vừa không được xem máy trước khi mua, lại mất 500 – 700 ngàn để thử máy, đây có phải là một sự lựa chọn thông minh?
Sau buổi trải nghiệm Bphone “thất vọng tràn trề” ở cửa hàng FPT tại Hà Nội và TpHCM , máy đến tay vài người dùng cũng trục trặc Camera (chất lượng tồi tệ), hiệu năng hoạt động chỉ vào hạng trung bình khi đo bằng phần mềm, máy nóng khủng khiếp, tháo máy ra thì chỉ là “1 trời 1 vực” so với Iphone, trễ hẹn giao hàng 4 lần…
Tất cả đều tạo nên sự nghi ngờ mà chẳng có chút ngưỡng mộ nào để bù lại.
Những người hiếm hoi ủng hộ Bphone chỉ bám vào lý do “Chưa mua thì đừng chê” và “Không mua thì hãy ủng hộ về tinh thần”. Đây đều là những lý do vô nghĩa, vì bỏ ra một số tiền lớn không phải là việc đơn giản.
Khách hàng là thượng đế chứ không phải chuột bạch để thử nghiệm. Không biết được mấy người trong số này bỏ tiền ra để trải nghiệm sản phẩm, nếu trục trặc hỏng hóc, không biết phản ứng của họ có được ôn hòa như trước hay không?
Còn việc “Ủng hộ về tinh thần” thì không chắc Bphone có cần không, vì cứ tung hô khen ngợi nhưng rốt cuộc không ai mua thì chỉ vài ngày là sập tiệm.
Người bênh Bphone còn nói: Nhật Bản và Hàn Quốc cũng phải trải qua một giai đoạn bắt chước rồi mới có ngày hôm nay và người nước họ biết ủng hộ hàng trong nước. Đúng như thế, nhưng Nhật và Hàn không làm ngay ra những sản phẩm ở phân khúc hạng sang và không tự coi mình là “nhất thế giới”.
Làm sao mà Toyota có thể sang trọng bằng Rolls Royce, Bentley… mạnh mẽ bằng Ferrari, Lamborghini…? Xe hơi của Nhật cho đến tận ngày hôm nay vẫn chủ yếu là dòng xe rẻ và tiết kiệm năng lượng, đấy là lợi thế cạnh tranh của họ, đấy mới thật sự là phục vụ người tiêu dùng trong nước.
Bphone cấu hình tầm trung bán giá hạng sang trong khi biết thừa rằng “Đất nước còn vô cùng nhiều khó khăn” – theo lời ông Quảng.
Dù có yêu nước đến đâu, sản phẩm nội địa phải có ít nhiều ưu điểm thì người tiêu dùng mới có thể ưu tiên, Bphone có điểm nào được như vậy? Còn nếu chỉ dựa vào lòng yêu nước, thì các hãng điện tử Nhật như Hitachi, JVC, Panasonic… đã chẳng bị lụi tàn như ngày hôm nay vì người Nhật như chúng ta biết, có tinh thần dân tộc rất cao.
Bphone sẽ thành công nếu bán hàng theo dạng đa cấp?
Nhưng cứ áp đặt “Người Việt phải dùng hàng Việt” mà bắt tất cả mọi người phải mua Bphone thì sao? Điều này có thể xảy ra nếu Bkav liên kết với chính phủ hoặc bán máy trong nội bộ công ty.
Nếu vậy nó sẽ rất giống hình thức bán hàng đa cấp. Bphone sẽ giàu có, chắc chắn rồi. Nhưng còn tương lai của nền công nghệ Việt Nam nếu ai cũng làm như vậy?
Bán hàng đa cấp cũng giống như kinh tế thời bao cấp, người dân phải tiêu dùng mọi sản phẩm bất kể tốt xấu của nền kinh tế đó.
Đa cấp làm mọi người trong cái vòng tròn đó tưởng rằng có một sự tăng trưởng lành mạnh, vì tất cả cùng có tiền. Nhưng sản phẩm của họ làm ra không phải chịu một sự cạnh tranh nào cả, nó luôn có chất lượng thấp mà giá cao là vì thế.
Không phải tự dưng những sản phẩm hàng đầu thế giới đều không bán hàng theo dạng đa cấp. Những sản phẩm đó là kết quả của sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường: làm sao để sản phẩm ngày càng nhiều chức năng hơn, rẻ hơn, đẹp hơn… Cuộc đua tàn khốc khiến những thương hiệu đình đám một thời đã và đang biến mất: Motorola, Siemens, Ericsson, Nokia…
Nhưng được lợi cuối cùng chính là người tiêu dùng. Nếu Apple, Samsung… đều là công ty đa cấp, chiếc điện thoại của chúng ta ngày nay sẽ có hình dạng như thế nào?
Tóm lại, mọi sản phẩm làm ra, nếu muốn chứng tỏ sự hữu dụng thì đều phải chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Phục vụ người dùng phải là động lực lớn nhất chứ không phải bất cứ một nguyên cớ nào khác. Mong muốn thị trường phục vụ mình vì một lý do nào đấy (như tinh thần dân tộc chẳng hạn) là hoàn toàn sai lầm.
Tình yêu nước không phải thứ có thể mang ra sử dụng một cách bừa bãi. Nếu ai cũng có thể coi mình là đại diện cho dân tộc, hình ảnh quốc gia đó sẽ ra sao? Trong trường hợp này, những người nhân danh “Lòng yêu nước” đáng khen hay đáng trách?
Theo BBC Việt Nam