Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải hôm 17/8 tuyên bố sẽ không di dời trạm thu phí Cai Lậy, khiến báo Tuổi Trẻ đặt ra câu hỏi: Như vậy bộ chọn giải pháp ưu tiên cho nhà đầu tư thay vì ưu tiên người dân?
Nhiều ngày qua, trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) trở thành tâm điểm chú ý của dư luận khi các tài xế liên tục sử dụng tiền lẻ qua trạm nhằm phản đối cách đặt trạm bất hợp lý ở Quốc lộ 1. Mỗi lần các tài xế đồng loạt dùng tiền 200, 500, 1.000 đồng trả phí BOT đều gây ách tắc giao thông, buộc BOT Cai Lậy phải xả cửa nhiều lần.
Trước tình hình trên, Bộ Giao thông Vận tải đã mở cuộc họp báo vào chiều 17/8. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ không tính đến việc di dời trạm này bởi hiện nay trạm thu phí đang đặt trong phạm vi dự án, không thể nói trạm đặt sai vị trí.
“Nếu di chuyển thì phương án tài chính đổ bể. Cứ vì người dân phản đối, phản ứng mà thay đổi vị trí trạm thu phí là không ổn“, Thứ trưởng nói và cho hay trong dự án không ai được tất cả mà phải hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Hiện Bộ Giao thông sơ bộ điều chỉnh mức giá, trên cơ sở này nhà đầu tư chốt lại phương án tài chính, mức phí phải khả thi để thu hồi vốn, nhà đầu tư làm việc với tổ chức tín dụng và phải tính toán lại không để nợ xấu.
Trước giả thiết nếu lái xe tiếp tục trả tiền lẻ để phản đối việc thu phí, nhà chức trách sẽ giải quyết thế nào, ông Đông nói: Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng trao đổi với Tiền Giang và nhà đầu tư tiếp tục xử lý nếu xảy ra việc này. Tôi mong giải quyết hài hòa, kỳ vọng không xảy ra vấn đề phức tạp. Hiện chưa phát hiện những vi phạm phải xử lý hình sự.
Sau buổi họp báo của Bộ Giao thông Vận tải, báo Tuổi Trẻ đã đăng bài viết với tiêu đề “Phải đưa trạm thu phí về đúng vị trí!”:
Bộ Giao thông vận tải, tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư lý giải rằng nhà đầu tư đã chi hơn 300 tỉ đồng để nâng cấp đoạn quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) nên phải thu phí.
Thế nhưng, những hình ảnh mới nhất được báo chí đăng tải cho thấy thật không thể chấp nhận. Đoạn đường này đầy ổ gà, mặt đường lồi lõm, nắp cống hỏng dù mới xây và đưa vào thu phí.
Nhưng vấn đề không chỉ là đường hỏng hóc.
Mục tiêu của các dự án BOT giao thông là huy động xã hội hóa để giảm gánh nặng ngân sách của Nhà nước, nhưng không được tạo thế độc quyền bằng các dự án đặt trên những con đường độc đạo và phải tạo cho người dân có sự lựa chọn.
Trạm thu phí BOT Cai Lậy trên quốc lộ 1 lại đặt ở vị trí chặn thu phí cả quốc lộ độc đạo và huyết mạch nối cả miền Tây rộng lớn với đô thị lớn nhất nước là TP.HCM lẫn đường tránh mới xây.
Vị trí “thắt cổ chai” như vậy không để cho người dân có cơ hội lựa chọn khác, buộc tài xế phải đóng phí nếu muốn đi qua.
Trong khi đó, quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy nếu có xuống cấp thì trách nhiệm của Nhà nước phải nâng cấp thông qua ngân sách nhà nước và phí đường bộ mà tài xế và doanh nghiệp vận tải đóng hằng năm.
Người dân khó có thể chấp nhận khi doanh nghiệp chi ra 300 tỉ đồng để nâng cấp rồi buộc tài xế đóng phí trả lại, thực chất là mang lợi cho doanh nghiệp, trong khi buộc người dân đóng phí hai lần.
Sự việc các tài xế dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí Cai Lậy gây ra kẹt xe kéo dài và trạm phải xả cửa những ngày qua là việc chẳng hay ho gì, song là việc chẳng đặng đừng để đấu tranh với một chính sách còn bất hợp lý, nhất là khi những đề xuất của họ có từ trước đó song đã không được chủ đầu tư, tỉnh và Bộ Giao thông vận tải lắng nghe và chia sẻ.
Tình hình căng thẳng những ngày qua tại trạm Cai Lậy cho thấy việc giảm giá phí không phải là bản chất của vấn đề, mà tài xế và đông đảo dư luận đều yêu cầu phải đưa trạm vào đúng vị trí có đi mới thu của nó là đường tránh 12km vừa được xây mới.
Song vấn đề mấu chốt đó đã không được Bộ GTVT và tỉnh lắng nghe, thay vào đó chọn giải pháp tình thế là giảm giá và kéo dài thời gian thu phí nhưng tính ra đâu vẫn hoàn đó. Không cần giảm giá, chỉ cần minh bạch và công bằng – không khó để ghi nhận được ý kiến này những ngày qua.
Tại cuộc họp báo chiều 17/8, Bộ GTVT một lần nữa khẳng định bảo vệ quan điểm không di dời trạm thu phí, vì nếu dời thì “phương án tài chính sẽ đổ bể”. Bộ lo phương án tài chính của chủ đầu tư “đổ bể”, muốn thu hồi vốn cho chủ đầu tư, trong khi vốn của bao nhiêu người dân thì lại quyết tâm… thu.
Như vậy bộ chọn giải pháp ưu tiên cho nhà đầu tư thay vì ưu tiên cho dân?
Đó là điều càng không thể chấp nhận!
Trạm BOT Cai Lậy nằm trong dự án BOT tuyến tránh thị xã Cai Lậy và bảo trì, tăng cường mặt quốc lộ 1, hoạt động từ ngày 1/8, thời gian thu phí 6 năm 5 tháng. Trạm có 8 làn xe cơ giới, mỗi chiều có một làn thu phí tự động, mức phí mỗi lượt từ 35.000 đến 180.000 đồng.
TinhHoa tổng hợp