Tinh Hoa

“Không có chuyện mua bán cây xanh”

Dư luận đang thắc mắc về chuyện hàng trăm cây xanh bị bứng trên nhiều tuyến phố Hà Nội đã được chuyển đi đâu, chăm sóc và trồng lại như thế nào.

Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Dục – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cho biết, đến nay các đơn vị chức năng đã thay thế được khoảng 500 cây ở 9 tuyến phố. Trong số các cây được thay thế có nhiều cây to, lượng gỗ sẽ được Công ty Công viên cây xanh thu hồi, sau đó tổ chức bán đấu giá thu vào ngân sách.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, đã có rất nhiều cây xanh khỏe mạnh, có giá trị ở nhiều tuyến phố bị bứng gốc để di chuyển đi nơi khác.

Ngoài số cây bị chặt hạ, 128 cây xanh trên đường Nguyễn Chí Thanh đã được bứng gốc, chuyển tới vườn ươm Cầu Diễn (Ảnh: VOV)

Trước một số dư luận nghi hoặc về việc cây xanh bị bứng gốc chuyển đi đã được bán cho doanh nghiệp để trồng ở các khu đô thị mới cao cấp, ông Nguyễn Xuân Hưng – Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội – khẳng định với PV Dân trí sáng 20/3: “Không có chuyện mua bán cây xanh nào cả. Công ty Công viên cây xanh không được bán bất kỳ một cái cây nào cả”.

Theo ông Hưng, trong “chiến dịch” chặt hạ, dịch chuyển 6.700 cây xanh của Hà Nội, công ty này chỉ được giao phụ trách số cây trồng trên tuyến đường Nguyễn Chí Thanh. 128 cây trên con đường này đã được công ty bứng gốc, đưa về Vườn ươm Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm) để chăm sóc, duy trì.

“Những cây này đều phải mất một thời gian để chăm sóc, hồi phục. Mai kia số cây ấy đủ tiêu chuẩn ra đường thì chúng tôi sẽ đưa vào trồng ở các vườn hoa, công viên, khu đô thị theo yêu cầu quy hoạch cây xanh của thành phố. Muốn trồng ở đâu cũng đều phải có giấy phép của Sở Xây dựng Hà Nội cấp”- ông Hưng cho biết.

Ông Hưng cho biết có khoảng 7-8 đơn vị được Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt tham gia dự án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh.

Trong ngày 21/3, chúng tôi nhiều lần liên lạc với lãnh đạo đơn vị phụ trách vấn đề này thuộc Sở Xây dựng Xây dựng Hà Nội để hỏi rõ nhưng không nhận được phản hồi.

Trong khi đó, một đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng cây xanh có “tuổi thọ” rất có giá trị trên thị trường. Việc xuất hiện nhiều khu đô thị mới cao cấp, các khu biệt thự sang trọng đã khiến thị trường mua bán cây xanh đã được trồng hàng chục năm rất đắt hàng.

“Chính vì thế tôi cho rằng cần phải giám sát chặt chẽ việc dịch chuyển cây xanh ở Hà Nội. Các đơn vị liên quan phải công khai số cây cụ thể được bứng đi hiện nay ở đâu, sẽ được trồng ở khu vực nào trên địa bàn thành phố”- vị này bày tỏ.

TS. Phạm Sỹ Liêm – Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam (nguyên Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội) – cho rằng, trước những bức xúc, băn khoăn của dư luận hiện nay, cơ quan dân cử gồm HĐND TP Hà Nội và Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cần vào cuộc giám sát, yêu cầu trả lời đầy đủ, minh bạch những vấn đề liên quan đến dự án chặt hạ 6.700 cây xanh.

Theo Thế Kha – Dân Trí

Theo NDH.vn