Một nhà tương lai học của Google dự đoán sự phát triển quá nhanh của công nghệ sẽ khiến loài người dần phụ thuộc vào chúng, với sự kiểm soát của Trí thông minh nhân tạo, và con cháu chúng ta khi đó có lẽ sẽ chẳng khác mấy những con người tương lai trong bộ phim Wall-E.
Dự đoán tương lai là một việc mà không phải ai cũng làm được, nhưng Google có hẳn những nhà “tương lai học” của riêng họ. Nhiệm vụ của những người này là dự đoán những gì sẽ xảy ra với cuộc sống của con người dựa vào các phân tích và các con số cụ thể (khác với các nhà ngoại cảm vốn dựa vào tâm linh). Rất nhiều dự báo của những chuyên gia này đều đúng, và đó là điều đôi khi đáng lo hơn là đáng mừng.
Ray Kurzweil, một trong số những nhà tương lai học kể trên của Google, là người đã đưa ra rất nhiều dự đoán chính xác về việc máy tính sẽ đánh bại trí tuệ của con người trong cờ vua (đã xảy ra) hay ô tô tự lái sẽ xuất hiện ở khắp mọi nơi (đang và sắp diễn ra). Tuy nhiên, điều khiến ông nổi tiếng không phải bởi ông là người chuyên đưa ra các “dự đoán” về tương lai, mà ông nổi tiếng bởi lí luận cốt lõi trong công việc của mình: “the Law of Accelerating Returns”.
Về cơ bản, nó có nội dung là: “Các giải pháp công nghệ thông tin sẽ phát triển theo quỹ đạo dự đoán và theo cấp số nhân“.
Với nhiều người, việc công nghệ thông tin phát triển theo cấp số nhân có lẽ chẳng còn gì mới. Chúng ta đã biết về định luật Moore nổi tiếng, vốn được đặt theo tên nhà đồng sáng lập Intel Gordon Moore, rằng số lượng bóng bán dẫn tích hợp trong một con chip sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 tháng.
Tuy nhiên có một chút vấn đề ở đây. Theo Kurzweil, con người đang ở trên một đà phát triển nhanh chóng, nhưng chưa thực sự nhìn ra câu chuyện toàn cảnh của sự phát triển đó. Để giải thích cho điều này, ông đưa một câu chuyện dân gian vốn khá nổi tiếng trên thế giới:
Ở một đất nước nọ, một nhà phát minh được nhà vua gọi vào cung điện để phát thưởng cho việc đã giúp ông vua này chế tạo ra một món đồ chơi mới. Nhà vua cho ông chọn ngọc ngà châu báu tùy thích, nhưng nhà phát minh này từ chối. Ông chỉ đưa ra một bàn cờ vua và hỏi xin một phần quà “khiêm nhường”: Hãy cho ông 1 hạt gạo vào ô đầu tiên, 2 hạt vào ô thứ 2, 4 hạt vào ô thứ 3,… và cứ tiếp tục như thế cho đến khi hết bàn cờ vua. Nhà vua chẳng mảy may nghi ngờ và cười lớn yêu cầu quân lính làm theo. Thế nhưng nụ cười nhanh chóng tắt đi và thay thế vào đó là sự tức giận. Ông vua của một nước vốn rất giàu có nhưng chẳng thể lấp đầy số hạt gạo ở những ô cuối cùng, 2^63 hạt gạo. Con số này lớn đến mức nó đòi hỏi những cánh đồng lúa lớn gấp 2 lần diện tích Trái đất, bao gồm cả đại dương, mới có thể cung cấp nổi.
Theo Kurzweil, loài người chúng ta đã bước chân vào bàn cờ này từ khi bắt đầu phát triển công nghệ, và tính cho tới hiện tại, chúng ta vẫn đang ở đâu đó giữa bàn cờ này. Cũng giống như câu chuyện kia, khi số hạt gạo thay đổi từ một cái muỗng, một cái ly, một cái thùng,… Chúng ta đang vượt qua nhanh chóng các ranh giới công nghệ từ những chiếc máy chiếu bóng đầu tiên, những động cơ hơi nước,… cho đến hiện nay là những smartphone tràn lan, những dịch vụ Internet phát triển không ngừng nghỉ. Chúng ta đang đi trên một con đường phát triển theo hàm sỗ mũ của công nghệ mà có lẽ ít người dừng lại để ngắm nhìn điều đó.
Sự phát triển này với rất nhiều người là một điều tuyệt vời, nhưng cái giá phải trả cho điều đó là gì? Là môi trường, là tài nguyên, là sự “sống thật” của con người đang phát triển theo chiều hướng xấu. Có lẽ không phải tất cả, nhưng con người hiện nay quan tâm vào việc Apple sẽ ra mắt chiếc iPhone mới như thế nào, Facebook sẽ cập nhật tính năng mới nào hơn là việc cái cây trước nhà có còn ở đó hay không, ô nhiễm không khí có đang ảnh hưởng như thế nào đến họ,…
Chúng ta cứ bước tới, bước tới mà chẳng mảy may quan tâm tới cả chặng đường. Nếu có một điều để khẳng định, thì chỉ có thể là công nghệ sẽ còn tiếp tục phát triển, cuộc sống sẽ tiếp tục tiện nghi và hiện đại hơn.
Theo dự đoán của Kurzweil, ở những ô cờ cuối của bàn cờ thời gian này, loài người sẽ đối mặt với sự phụ thuộc vào công nghệ, với sự kiểm soát của Trí thông minh nhân tạo trong mọi lĩnh vực của đời sống. Con cháu chúng ta khi đó có lẽ sẽ chẳng khác mấy những con người tương lai trong bộ phim Wall-E vậy, cả ngày chỉ nằm trên một chiếc ghế điện tử để suy nghĩ xem hôm nay mặc gì, ăn gì, chơi gì và… ngủ lúc nào. Thế giới ư? Hãy để máy móc lo liệu.
Với Kurzweil, có vẻ như ông chỉ là người đưa ra dự đoán và chính ông cũng đang tiếp tục tiến lên bàn cờ với những tham vọng và mong muốn của riêng mình.
Về Trí thông minh nhân tạo, rất nhiều các nhà lãnh đạo công nghệ đang thực sự lo ngại cho tương lai của loài người. Liệu chúng ta sẽ là ông vua kia, ngã ngửa khi nhìn ra sự thật ở những ô cờ cuối, hay chúng ta sẽ là nhà khoa học, nắm được bàn cờ để tự nắm lấy tương lai của mình?
Theo GenK