Với 8 HCV cá nhân và 8 lần phá kỷ lục SEA Games trong một kỳ đại hội, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên đã đi vào lịch sử bơi lội Đông Nam Á, mang theo không chỉ những lời tán dương nồng nhiệt mà còn cả sự nhún nhường chân thật.
Nếu như về thành tích, Ánh Viên xứng đáng với những lời khen tặng nhiều màu sắc thì với đức tính khiêm nhường, cô gái 19 tuổi đã giành được sự tôn quý. Sau một loạt chiến thắng của Ánh Viên, thay vì được nghe những câu trả lời bóng bẩy, ngập tràn phấn khích của nữ vận động viên quê TP Cần Thơ, báo chí Việt Nam và khu vực chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn, giản dị với nét hồn hậu chân chất: “Em luôn cố gắng để vượt qua chính mình. Nếu hài lòng về những gì đạt được thì em đã thất bại rồi, thất bại ngay hôm nay chứ không phải ngày mai!”. Chỉ là những lời mộc mạc thôi nhưng lại đầy ắp sự chân thành, tạo cảm hứng và động lực cho những ai có hoài bão, muốn hướng tầm nhìn về những mục tiêu xa hơn. “Em luôn cố gắng vượt qua chính mình” dường như là ý nghĩ thường trực của Ánh Viên. Tầng ngôn ngữ thứ hai của câu nói cho thấy cô gái này luôn mở lòng học hỏi, trau dồi để có thể đi đến những sân chơi rộng thoáng, khắc nghiệt hơn. Thế nhưng, cần chuẩn bị hành trang như thế nào để em tự tin bước ra khỏi cái “ao làng” hiện tại là câu hỏi không chỉ đặt riêng cho trường hợp của kình ngư số 1 Việt Nam. Bởi lẽ, thể thao nước nhà, kể cả môn bóng đá vốn được quan tâm nhất nước, vẫn đang loay hoay trong cái sân chơi hẹp, rất cần cú hích mạnh để sớm thay đổi diện mạo, bứt phá đi lên. Được giáo huấn phải “quên ngay chiến thắng” để tập trung cho những thử thách tiếp theo, cô gái 19 tuổi rõ ràng đã lớn hơn tuổi thật của mình, trở thành niềm khích lệ không chỉ của các vận động viên mà cả những người đang miệt mài làm việc trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Ở đây, sự nhún nhường không còn là món trang sức mà là sức sống, sức thúc đẩy. Khiêm tốn là một phẩm chất lớn với nội hàm rất rộng. Nó gây thiện cảm, tạo sự tin cậy, cổ vũ hành động, đưa mọi người đến gần nhau trong sự thư thái và an lạc. Trong quan hệ giao tiếp, ai cũng muốn nhìn thấy vẻ đẹp toát ra từ sự khiêm tốn của người khác. Thế nhưng, điều đó không dễ bởi chính sự xuất hiện ngày càng nhiều của những “cái tôi” hẹp hòi, với bề ngoài lòe loẹt của thói khoe khoang, tự mãn, ăn trên ngồi trước, biết một nói mười… Khiêm tốn bao nhiêu cũng thiếu, kiêu căng một chút đã thấy thừa. Karl Marx đã nói như vậy từ hàng trăm năm nay và điều này cho thấy thái độ rõ ràng của xã hội đối với 2 loại phẩm chất, 2 dạng người hoàn toàn trái ngược này. Cao Tuấn |
Theo Người Lao Động