Có lần tôi rủ nhóm bạn thân thiết đi du lịch Brunei, một cậu bé trong nhóm hỏi: “Chị, nước nó giàu như thế thì mình qua có bị coi thường không?”, tôi tròn mắt tỏ vẻ ngạc nhiên: “Em cứ lịch sự dễ thương thì ai dám coi thường em?”.
Nhưng Brunei là một quốc gia giàu có đến mức buồn tẻ. Ngoài những thánh đường Hồi giáo vắng vẻ đẹp đẽ, đất nước nhỏ bé này hầu như chẳng có dịch vụ gì hấp dẫn du khách. Không rượu bia thuốc lá, shopping quán xá nghỉ bán sớm bưng, nổi hứng khám phá cũng khó mà kiếm được một chiếc taxi hoạt động ngoài đường, phương tiện giao thông công cộng thì hiển nhiên là vô vọng… Trái ngược hoàn toàn với Singapore – cũng một quốc gia nhỏ xinh và giàu có theo kiểu cách rất khác trong khu vực, dù tỷ giá tiền tệ ngang nhau, có thể thay thế trong giao dịch. Và vì không phát triển dịch vụ, nên chúng ta có thể thoải mái mang quốc tịch Việt Nam nhập cảnh vào Brunei mà không bị soi xét tình nghi có ý đồ mờ ám, kiểu gái đẹp thì có thể qua đi khách, người bình thường thì khả năng sẽ trở thành lao động bất hợp pháp, như cách Singapore, thậm chí là cả Thailand đang đề cao cảnh giác và gắt gao kiểm soát với những cuốn hộ chiếu xanh trong vài năm gần đây. Khi nào chúng ta mới ngừng “cảm thấy may mắn” khi nhập cảnh được vào nước bạn?
Tôi vốn là một tín đồ của du lịch bụi. Ngoại trừ Đông Timor xa xôi hẻo lánh, tất cả các quốc gia Đông Nam Á còn lại đều đã đi mòn dép, đi hết lần này đến lần khác, có khi một năm đi mấy lần, bằng cách tổ chức những chuyến du lịch bụi tiết kiệm cùng bạn bè. Đôi khi tôi thấy tự hào với cuốn hộ chiếu chi chít dấu xuất nhập cảnh của mình. Tôi cũng chưa bao giờ gặp rắc rối với hải quan các nước ngoài những giải thích vắn tắt vì thiếu sót khi điền tờ khai nhập cảnh. Lần nào tôi đến Singapore cũng gặp loáng thoáng vài người Việt Nam không được thông quan phải lên chuyến bay ngược về điểm xuất phát. Thành ra phụ nữ Việt Nam từ lâu đã truyền tai nhau cách ăn mặc và chuẩn bị ứng phó để qua được hải quan khi đến sân bay Changi. Việc không bị các sỹ quan ICA vặn vẹo hoặc nghiêm trọng hơn là đưa vào khu vực cách ly để điều tra đã trở thành một sự may mắn, đặc biệt với những cô gái có ngoại hình xinh đẹp. Còn đất nước chùa vàng Thailand, dù không sang chảnh bằng quốc đảo sư tử biển, nhưng đôi khi tùy vào cảm tính của cán bộ hải quan, du khách Việt Nam phải cầm tối thiểu 700usd xòe ra trước camera để đáp ứng được điều kiện nhập cảnh. Ca sỹ Thu Phương từng cải biên một câu ca dao nức lòng cư dân mạng và có thể ứng dụng trong bất cứ scandal nào: “Cây cao bóng mát không ngồi. Đi ra đứng nắng trách trời không râm”, theo ý tứ cổ nhân thì hẳn là sau rất nhiều động thái thiếu tôn trọng của nước bạn, chúng ta hãy cứ giữ lấy tự tôn của mình và hô hào tẩy chay không đi du lịch tại những quốc gia phân biệt đối xử với khách Việt ngay từ chính sách nhập cảnh. Hoặc chúng ta giận dỗi: “Việt Nam thiếu gì cảnh đẹp mà phải du lịch qua đó, rồi còn làm giàu cho bọn chẳng tôn trọng mình?”. Những phản ứng như thế khiến tôi cảm thấy khá buồn cười. Đất nước người ta có sức hút thì dù một bộ phận tẩy chay người Việt, bởi những lao động bất hợp pháp mang quốc tịch Việt vẫn tiếp tục hành nghề và trốn tránh nhà chức trách ở nước bạn, bởi người Việt trộm cắp lách luật vẫn diễn ra bên ngoài biên giới. Thực tại đó không cách gì tàn lụi… Tôi cũng từng nghĩ mình nên tự ái như thế! Nước nào khó khăn bày đặt cấm cản là “nghỉ chơi”. Nhưng suy đi tính lại thì mưa đã hắt đến mặt mình đâu mà sợ ướt quay về? Hơn nữa trên đường lưu dấu những bước chân bụi bặm nơi đất khách quê người, tôi thích nghe những bạn nước ngoài cả Tây lẫn Á nói với mình rằng: “Tao đã gặp rất nhiều người Việt Nam. Nhưng họ và mày tử tế, dễ thương, mày làm tao có cái nhìn khác về Việt Nam, nhất định tao sẽ lên kế hoạch đi du lịch Việt Nam để thăm mày”, dù có lúc hoài nghi họ đang xã giao một cách đáng mến. Bây giờ là thế kỷ nào rồi mà còn muốn đợi cho đến khi mỗi cư dân Việt Nam đều ngừng “cảm thấy may mắn” khi nhập cảnh được vào các quốc gia láng giềng thì bạn mới biết đất nước và đời sống của Sing của Thái ra sao? Nghĩ thôi đã thấy yếm thế vô cùng! B Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả |
Theo aFamily