Xuyên suốt 5000 năm lịch sử, Trung Quốc sở hữu cho mình một nền văn hóa ẩm thực to lớn. Mỗi vùng miền đều có một màu sắc ẩm thực khác nhau, nhưng điểm là luôn hướng đến sự hài hòa về âm dương trong cách kết hợp gia vị, đảm bảo đầy đủ các yếu tố hương, vị, sắc, dinh dưỡng và cả cách trình bày cũng vô cùng tinh tế.
Tây An (trước đây tên Trường An, Tràng An) là một trong “Bốn Cố đô lớn của Trung Quốc”, một địa danh quan trọng nhất trong các triều đại nhà Đường, Tùy, Tần, Tây Chu và Tây Hán. Đây là nơi các thương gia Trung Hoa tập kết hàng hóa, tơ lụa để chuẩn bị cho những chuyến buôn bán lớn qua Con đường tơ lụa. Đồng thời Tây Ân cũng là nơi hình thành Đội quân đất nung (những pho tượng được chôn theo lăng mộ Tần Thủy Hoàng).
Với dân số gần 13 triệu người, Tây An là một trong những thành phố lớn nhất tại Trung Quốc. Kèm với bề dày lịch sử của mình, Tây An còn ghi danh với một vài món ăn nổi tiếng nhất tại Trung Quốc. Dưới đây là một vài món tiêu biểu:
Paomo: Thịt cừu hầm
Món thịt cừu được ăn kèm với bánh mỳ hấp xắt nhỏ, đây là món ăn ‘đặc sản’ của người dân địa phương và được nhiều du khách yêu thích. Có một vài quy tắc khi ăn Paomo mà các thực khách cần lưu ý, chính là Paomo không đơn thuần chỉ là một món ăn gọi đặt và ngồi xuống thưởng thức ngay. Các thực khách được yêu cầu tự xé nhỏ bánh mì cho vào một cái bát. Sau khi hoàn tất, chiếc bát sẽ được mang vào trong bếp nấu. Tại đây, đầu bếp sẽ thêm mỳ, gia vị, nước hầm xương và một vài lát thịt cừu vào. Sau đó, họ sẽ nấu món ăn trên lửa trước khi đem ra phục vụ.
Tuy nhiên, có một mánh khóe ở đây. Người ta đồn rằng đầu bếp tại các nhà hàng truyền thống sẽ quan sát những miếng bánh mì mà thực khách vừa xé, nếu họ phát hiện thực khách không ‘đầu tư đủ thời gian’ để xé bánh mì một cách chuẩn mực, thì họ cũng sẽ chẳng tốn thời gian để nấu món nước hầm chuẩn vị cho những người này.
Mì lạnh Liangpi
Mì lạnh là một loại mì được làm từ bột gạo, phục vụ lạnh với nhiều loại nước sốt. Về cơ bản món mì này chứa toàn bộ các loại hương vị.
Đầu tiên phần bột được trộn với nước và lọc cho đến khi chỉ còn lại gluten, sau đó được nấu chín và làm lạnh. Miếng bột sau đó được xắt thành những sợi mì mỏng và đặt trong một cái bát, bên trong có giá đỗ và dưa chuột thái lát. Sau đó, các loại nước sốt như dầu ớt, giấm, tỏi thái hạt lựu và bột tiêu được thêm vào.
Với hương vị đậm đà, mì lạnh thường được phục vụ cùng với Roujiamo, một loại bánh hamburger Trung Quốc, gồm bánh mì trắng kẹp thịt băm nhuyễn. Sau khi trải qua công đoạn nướng bánh trong một lò nướng truyền thống, bánh mì sẽ nóng giòn, còn phần thịt thì mềm mọng.
Guantang Baozi: Bánh bao ‘súp’
Còn được biết đến với tên gọi bánh phủ súp, những chiếc bánh bao này được phủ đầy nhân thịt và nước sốt thịt bên trong. Ngoài ra, còn có một phiên bản bánh bao khác của Thượng Hải, nhưng người dân Tây An thường khẳng định món bánh bao ‘súp’ của họ có vị ngon hơn.
Không giống như cách sử dụng thịt lợn làm nhân của Thượng Hải, bánh bao Tây An phủ đầy nhân thịt cừu hoặc thịt bò. Chiếc bánh bao mỏng được phủ thêm một lớp súp nóng hổi là một sự kết hợp thuần thúy. Khi ăn cùng với nước sốt giấm đặc biệt và tương ớt của Tây An, thực khách sẽ như được chìm vào trong một chuyến phiêu hành ẩm thực.
Mì Biang Biang (Bương Bương)
Nổi tiếng khắp Trung Quốc, món mì này là “một trong tám kỳ quan độc lạ của tỉnh Thiểm Tây”. Sợi mì được làm thủ công, với hình thù giống một chiếc thắt lưng.
Do khí hậu mùa đông lạnh đặc trưng tại khu vực, các món ăn kèm với mì thường là ớt đỏ. Mì Bương Bương được làm thành các sợi dài, một sợi mì thôi có thể lấp đầy cả một cái bát. Dầu và trứng được trộn cùng bột trong quá trình sơ chế, do đó kết cấu sợi mì khá dai. Trước khi đem phục vụ thực khách, tô mì sẽ được thêm dầu nóng, rau và thịt.
Fen Zheng Rou: Thịt bò hầm bột gạo
Món Fen Zheng Rou ngon nhất là ở Khu phố Hồi giáo Tây An. Món ăn về cơ bản là các khối bột gạo hoặc bột mì kết hợp cùng những miếng thịt bò hầm và gia vị. Fen Zheng Rou được ăn kèm cùng bánh mì con, đôi khi là vài tép tỏi sống, tùy theo sở thích cá nhân. Thực khách cũng có thể thêm khoai lang, nấm và củ sen vào món ăn.
Chúc Di (Theo Vision Times)