Các lớp bảo vệ sơ hở khiến chủ tài khoản phát hoảng khi tiền gửi ngân hàng “không cánh mà bay”. Thời gian giải quyết các vụ việc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến người gửi tiền.
Sáng 16/8, khi vừa ngủ dậy, ông Vũ Thành Phương, chủ thẻ MasterCard Debit của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) choáng váng khi nhận được liên tiếp 14 tin nhắn từ tổng đài ngân hàng báo tin thẻ được giao dịch ở Nhật với số tiền hơn 17 triệu đồng.
Từ tin nhắn thứ 11 trở đi giao dịch không thành công do không đủ tiền thanh toán. Ngay lập tức, ông điện thoại cho ngân hàng khóa thẻ lại. Nhưng chờ đến tận ngày hôm sau, ngân hàng mới thông báo cho ông là đang xử lý bước đầu, nghĩa là đã báo cho phía MasterCard để họ kiểm tra rồi mới tiến hành các bước tiếp theo.
Đến hôm 24/8, ông Phương vẫn không biết là mình có lấy lại được tiền không. Ông khẳng định: “Thẻ này vừa đổi cuối năm 2016. Tôi không vào các link giả mạo, hay những link lạ để thực hiện thanh toán giao dịch và cũng không thực hiện mua vé máy bay trên hệ thống Vietnam Airlines. Mỗi lần cần thanh toán, tôi đều vào trực tiếp website của Vietcombank để thanh toán. Tôi có đi nước ngoài, cụ thể là Ý, nhưng cũng không dùng thẻ trong thời gian này, vé máy bay tôi mua từ Việt Nam. Vietcombank thông tin tôi giao dịch thẻ ở Anh là không đúng”.
Đáng lo ngại là trường hợp của ông Phương xảy ra khi trường hợp 500 triệu đồng của bà Na Hương bị chuyển một cách “bí ẩn” khỏi tài khoản tại Vietcombank chưa lắng xuống.
Tiền tỉ “không cánh mà bay”
Tương tự, bà T.T.T.Phúc (Hà Nội) cũng đang “xất bất xang bang” vì mất tiền vô lý tại ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Theo đó bà gửi tiền tại Phòng giao dịch Nguyễn Khuyến (Hà Nội) của SCB hơn 4,2 tỉ đồng để chuẩn bị mua nhà. Ngày 19/11/2015, bà Phúc ra SCB rút tiền thì được biết ngày 5/10/2015 số tiền này đã được chuyển qua một tài khoản khác tên Hà.
Bà Phúc cho biết, phía SCB đưa cho bà một bản photocopy giấy ủy nhiệm chi có chữ ký giống chữ ký của bà nhưng camera giám sát tại thời điểm đó người giao dịch là một nam giới. “Ngân hàng khăng khăng đã thực hiện chuyển tiền theo ủy quyền của tôi cho người đàn ông đó nhưng không xuất trình được hợp đồng ủy quyền của tôi theo quy định của pháp luật. SCB xác nhận việc ủy quyền bằng cách cho nhân viên gọi điện cho tôi để hỏi có ủy quyền cho người đàn ông đó. Thực tế tôi không nhận được cuộc gọi nào từ SCB và khi yêu cầu cho nghe băng ghi âm thì SCB từ chối”, bà bức xúc kể. Bà Phúc cho rằng SCB làm sai quy trình dẫn đến thất thoát 4,2 tỉ đồng của mình.
SCB đã từ chối trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhân viên ngân hàng có làm đúng quy trình chuyển tiền đối với tài khoản của bà Phúc hay không, với lý do vụ việc đang được cơ quan công an điều tra.
Không những tài khoản cá nhân mà ngay cả tài khoản doanh nghiệp cũng bị “bốc hơi” tiền khiến chủ doanh nghiệp tá hỏa. Việc 26 tỉ đồng trong tài khoản công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Quang Huân (trụ sở ở H.Củ Chi, TP.HCM) mở tại ngân hàng TMCP VN Thịnh Vượng (VPBank) biến mất đang gây chấn động dư luận.
Cụ thể, công ty Quang Huân mở tài khoản tại VPBank từ cuối tháng 3/2015. Khoảng tháng 7, bà Trần Thị Thanh Xuân, Giám đốc công ty, đến rút tiền thì 26 tỉ đồng trong tài khoản đã biến mất. Số tiền trên được chuyển ra khỏi tài khoản bằng séc. Người mua séc của công ty là bà Đoàn Thị Thúy Hằng (nhân viên VPBank) và người rút séc là ông Nguyễn Huy Nhựt (chồng bà Hằng) cùng 2 người khác là Đỗ Đình Bảo, Phạm Văn Trinh. VPBank đã viện lý do là nhân viên nghỉ việc, đến nay vẫn không giải quyết sự cố này.
Theo thông tin từ phía VPBank đưa ra chiều 24/8, VPBank nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự và cần cơ quan điều tra vào cuộc. Khi đó mới sáng tỏ được các nghi vấn về chữ ký chủ tài khoản, con dấu công ty Quang Huân sử dụng để đăng ký mở tài khoản và thực hiện các giao dịch mở tài khoản, trên séc, chứng từ giao dịch…
Ngân hàng phải chịu trách nhiệm
Nguyên Thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm nhìn nhận các ngân hàng trên thế giới dù trang bị hệ thống bảo mật mạng hiện đại, một hệ thống kiểm soát nội bộ chặt chẽ nhiều năm qua, nhưng trên thực tế vẫn có những sơ hở (dù nhỏ). Khi sự cố xảy ra, kinh nghiệm các ngân hàng trên thế giới là không đổ lỗi cho khách hàng, bởi khi nhận tiền gửi vào của khách, trách nhiệm và nghĩa vụ đầu tiên của ngân hàng là phải áp dụng các biện pháp an toàn đảm bảo tiền của khách không bị thất thoát. “Nếu tiền bốc hơi mà không có chữ ký của khách hàng, ngân hàng trích từ quỹ rủi ro bồi thường trước, lỗi phải của ai sẽ làm rõ sau đó”, ông cho biết.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV công ty luật Basico, nhận xét: “Những vụ việc khách hàng mất tiền ở Vietcombank hay VPBank mới đây đều cho thấy các lớp bảo vệ của ngân hàng khá sơ hở, chưa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách hàng. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro cho khách hàng, thì ngân hàng phải chịu một phần trách nhiệm“. Tuy nhiên, ở các sự vụ hiện nay, chưa thấy sự vào cuộc của các cơ quan quản lý để làm rõ bản chất, từ công nghệ, dấu vết… Thông tin chỉ mới một chiều từ các ngân hàng.
“Ngân hàng có thể không có lỗi trong việc khách mất tiền (vì khách làm mất mật mã…) hoặc có lỗi một phần có thể từ chối bồi thường. Nhưng một ngân hàng khôn ngoan sẽ có cách ứng xử khác bằng cách xem xét đền bù một phần hoặc đầy đủ số tiền bị mất, đồng thời kèm theo lời hứa sẽ kịp thời “bịt” lỗ hổng bảo mật, chấn chỉnh hệ thống kiểm soát nội bộ… làm mọi cách để giữ vững uy tín, tạo lòng tin và giữ chân được khách hàng. Nếu cứ khăng khăng là mình đúng, đẩy phần thiệt cho khách hàng, thì nguy cơ người dân quay lưng với ngân hàng là rất cao”, luật sư Đức nói.
Theo Vietfact.com