Kết thúc Phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngoài việc Vương Hỗ Ninh từ chức Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, nhân sự không có sự biến đổi lớn. Ngoại giới chú ý đến “mục tiêu tầm nhìn cho năm 2035” được đề ra trong phiên họp, điều này dường như ám chỉ cho sự nắm quyền lâu dài của Tập Cận Bình.
“Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” rất khác với “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”
Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Đại hội đại biểu toàn quốc khóa 19 của ĐCSTQ đã bế mạc vào ngày 29/10 và ra thông cáo chung. Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương đã thảo luận và thông qua “Kế hoạch 5 năm” lần thứ 14 cùng “Các mục tiêu tầm nhìn cho năm 2035”, việc này đã thu hút sự chú ý từ ngoại giới.
So sánh “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” cách đây 5 năm với “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” được xây dựng trong năm nay, khẩu hiệu chính của “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13” là “Đạt được một xã hội khá giả vào năm 2020” và kế hoạch “Một vành đai, một con đường”. Hiện nay Trung Quốc lại phải đối mặt với một cuộc chiến tranh lạnh mới với Hoa Kỳ, cùng với việc bị cô lập bởi cộng đồng quốc tế, “tự chủ khoa học và công nghệ” đã trở thành chủ trương quan trọng hàng đầu trong năm nay.
Chung Nguyên, nhà bình luận về các vấn đề thời sự đã có bài viết trên tờ Epoch Times nói rằng, về phương diện đánh giá tình hình nội bộ, thông cáo của Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương cũng giống như 5 năm trước, vẫn là “sự cải thiện kinh tế dài hạn”. Tuy nhiên, so với 5 năm trước, thì năm nay có ít những thứ như “tiêu dùng thăng cấp nhanh chóng, không gian thị trường rộng lớn” hơn.
Ông cho rằng hiện nay, sau 5 năm, có một thực tế phũ phàng là mức tiêu dùng của hầu hết người dân Trung Quốc đã bị giảm xuống và rất nhiều người thất nghiệp. Do đó, nội dung mới được bổ sung lần này là “ổn định tình hình xã hội”.
Chung Nguyên cũng chỉ ra rằng, các vấn đề cụ thể được liệt kê trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 cách đây 5 năm, bao gồm cả sự phát triển không cân bằng và không bền vững, đều đã bị xóa. Có lẽ các nhà lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đã nhận thấy rằng hiện nay Trung Quốc có quá nhiều vấn đề và cách đơn giản và nhanh nhất là tránh chúng đi. Ngay cả vấn đề thất nghiệp, một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến sự “ổn định xã hội”, cũng không được đề cập một chút nào trong thông cáo.
Bản tin của Đài Á Châu Tự Do (RFA) dẫn lời các học giả cho biết, những doanh nghiệp tư nhân được đề cập trong kế hoạch 5 năm trước không xuất hiện lần này, và tin rằng ĐCSTQ nhất định là đang đi con đường “quốc tiến, dân lùi”.
Tầm nhìn năm 2035 cho thấy đường lối dài hạn
Vì các vấn đề cụ thể trước mắt không cách nào có thể được giải quyết, cho nên “mục tiêu dài hạn cho năm 2035” có lẽ sẽ chỉ là tưởng tượng xa vời và chỉ có tác dụng cho ĐCSTQ tự an ủi chính mình mà thôi. Theo một báo cáo từ RFI: “Tầm nhìn này kể một câu chuyện hấp dẫn về một ‘Trung Quốc tươi đẹp’, điều này có thể thực hiện được hay không, chúng ta sẽ phải đợi 15 năm sau mới biết được.”
RFA đưa tin rằng, Đặng Tiểu Bình đã đề ra chiến lược “ba bước đi” vào những năm 1980 để đạt được mục tiêu hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ 21, và mục tiêu dài hạn đến năm 2035 của Tập Cận Bình nhanh hơn Đặng Tiểu Bình 10 năm.
Cuối thông cáo của Hội nghị toàn thể lần thứ năm của ĐCSTQ còn nhấn mạnh rằng, “để đạt được Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu dài hạn đến năm 2035, thì cần phải giữ vững sự lãnh đạo toàn diện của Đảng” và “phải đoàn kết chặt chẽ giữa Ban Chấp hành Trung ương Đảng với đồng chí Tập Cận Bình là nòng cốt”.
Nhiều nhà bình luận cho rằng, mục đích của tầm nhìn dài hạn năm 2035 của Tập Cận Bình là để ông ta có thể cầm quyền lâu dài. Tập Cận Bình muốn nắm quyền đến năm 2035, lúc đó ông ta sẽ 82 tuổi, vừa đúng bằng tuổi Mao Trạch Đông khi qua đời.
Không có sự thay đổi nhân sự đáng kể nào trong Phiên họp toàn thể lần thứ năm
Các phiên họp toàn thể lần thứ năm trước đây của ĐCSTQ về cơ bản đều có những thay đổi lớn về nhân sự, bao gồm việc sa thải các quan chức cấp cao, xác lập người kế nhiệm v.v. Tập Cận Bình trở thành Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương tại Hội nghị toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 17 vào năm 2010, chuẩn bị cho vị trí của ông ta tại Đại hội toàn quốc khóa 18 của ĐCSTQ. Tuy nhiên, Hội nghị lần này không thấy có sự xuất hiện của người kế nhiệm, thế nhưng Tập Cận Bình cũng không thể khôi phục được chế độ chủ tịch đảng của thời đại Mao Trạch Đông như ngoại giới dự đoán.
Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Trần Phá Không phân tích rằng, Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ủy ban Trung ương sẽ kéo dài trong bốn ngày, thật khó để tưởng tượng được rằng sẽ mất đến bốn ngày để thảo luận về một “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” đã được vạch sẵn. Ông tin rằng trong cuộc họp kín này, phe của Tập Cận Bình và lực lượng chống Tập đã giao chiến với nhau bất phân thắng bại. Tập Cận Bình không tiến tới chức chủ tịch đảng và phe chống Tập Cận Bình cũng không giới thiệu được người kế nhiệm thay thế cho ông Tập.
Vương Hỗ Ninh từ chức “cố vấn”
Sự thay đổi nhân sự đáng nói nhất là việc thay thế Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương do ông Vương Hỗ Ninh, người đã đảm nhiệm vị trí này trong 18 năm liên tiếp. Vị trí này luôn được coi là “ban cố vấn” và “đầu não” của ĐCSTQ, do Vương Hỗ Ninh nắm giữ từ năm 2002.
Sự nghiệp quan trường của Vương Hỗ Ninh bắt đầu từ Thượng Hải, ông được cựu lãnh đạo ĐCSTQ là Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng – Nhân vật số 2 thuộc phe cánh Giang cất nhắc. Vương cũng đã đảm nhiệm những vị trí trọng yếu kể từ khi Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình lên nắm quyền.
Vương là một “bậc thầy” trong việc đúc kết các lý luận của ĐCSTQ. Đầu tiên là thuyết “Tam đại biểu” cho Giang Trạch Dân, sau đó là “Quan điểm phát triển khoa học” cho Hồ Cẩm Đào, và “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình cùng “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc cho một kỷ nguyên mới” được bổ sung vào Hiến pháp của ĐCSTQ cũng là xuất phát từ ý tưởng của Vương Hỗ Ninh.
Sau khi Vương Hỗ Ninh từ chức, Giang Kiêm Quyền, Phó Chủ nhiệm thường vụ của Văn phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương được đưa lên thay thế.
Gần đây, hệ thống tuyên truyền và hệ thống giáo dục của ĐCSTQ đang phải đối mặt với sự thanh trừng. Nhiều hiệu trưởng của các trường đại học đã bị điều tra và xét xử. Nhiều nữ nhân viên phát thanh của đài truyền hình CCTV cũng bị triệu tập để hỗ trợ điều tra. Vương Hỗ Ninh, người phụ trách hệ thống tuyên truyền trong một thời gian dài, đã từ chức ngay chính thời điểm này, đây được xem là thời điểm nhạy cảm và có thể liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực của ĐCSTQ.
Về một phương diện khác, Phó Chủ tịch ĐCSTQ Vương Kỳ Sơn, người bị đồn đoán là khó có thể giữ được địa vị thì lại bình yên vô sự. Vương Hỗ Ninh thường được coi là kẻ thù chính trị của Vương Kỳ Sơn.
Trước đó, bạn của Vương Kỳ Sơn là ông trùm bất động sản Nhậm Chí Cường đã bị kết án nặng nề, người ta cho rằng Vương Hỗ Ninh là kẻ đứng sau vụ này. Tiến sĩ Vương Hữu Quần, người soạn thảo cho cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ Uý Kiện Hành, đã viết một bài báo trên tờ Epoch Times vào ngày 30/10 phân tích rằng, những tin đồn rằng Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân cùng đánh bại Vương Kỳ Sơn có thể không đúng sự thật, tình hình đấu đá nội bộ của ĐCSTQ rất kỳ lạ và cần được theo dõi thêm.
Vấn đề già hóa dân số
Phiên họp toàn thể lần thứ năm của ĐCSTQ đề xuất tích cực ứng phó với tình trạng già hóa dân số, nói rằng từ năm 2020 đến năm 2025, dân số già của Trung Quốc sẽ vượt quá 300 triệu người. “Báo cáo Dân số Trung Quốc năm 2020” do nhà kinh tế Trung Quốc Nhâm Trạch Bình tham gia biên soạn gần đây đã nhận định rằng, Trung Quốc sắp trải qua mức tăng trưởng dân số âm và sẽ bước vào một xã hội già hóa sâu sắc vào năm 2022. Ông đề nghị cơ quan chức năng nhanh chóng công khai khuyến khích việc “sinh con thứ 3” càng sớm càng tốt.
Chủ đề này đã làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi trên các trang web của Đại lục, và hầu hết mọi người đều bày tỏ rằng sinh không nổi, nuôi không nổi, gánh nặng quá lớn.
ĐCSTQ đẩy mạnh chính sách kế hoạch hóa gia đình đã giết chết vô số sinh mạng và khiến dân số Trung Quốc già đi trước khi trở nên giàu có. Theo số liệu do ĐCSTQ công bố, mặc dù công khai khuyến khích sinh con thứ hai nhưng số ca sinh mới vào năm 2019 chỉ là 14,65 triệu, và tỷ lệ sinh vẫn ở mức thấp nhất kể từ năm 1949, còn thấp hơn Nhật Bản, một quốc gia đang trong giai đoạn khủng hoảng về dân số già.
Minh Huy