Ứng viên Phó Tổng thống Kamala Harris đang bị buộc tội ăn cắp một câu chuyện từ cuộc phỏng vấn năm 1965 của nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King Jr. để kể về sự tham gia của gia đình bà trong phong trào dân quyền. Đáng nói, câu chuyện hổ thẹn này vốn được xuất bản trên tạp chí Playboy.
Câu chuyện làm dấy lên nghi vấn xuất hiện trong một buổi phỏng vấn gần đây của bà Harris với tạp chí Elle.
Cuộc phỏng vấn diễn ra vào tháng 10 vừa qua. Harris cho hay bố mẹ và chú của bà đã tham gia vào một cuộc tuần hành vì quyền công dân ở thành phố Oakland. Khi đó bà được dắt theo và đang nằm trong xe đẩy trẻ em.
Tờ Elle cho hay, Harris kể sau đó bà đã ngã ra khỏi xe đẩy, nhưng bố mẹ và chú của bà vẫn tiếp tục bước tiếp vì họ ‘bị cuốn vào làn sóng người biểu tình’.
Khi bố mẹ và chú của Harris nhận ra sự việc, họ quay lại tìm bà và thấy bà đang khóc lớn. Harris nhớ lại: “Mẹ tôi kể lại về việc tôi đã gào khóc như nào. Và bà ấy thì kiểu ‘Con yêu, con muốn gì nào? Con cần gì?’” Và tôi chỉ nhìn vào bà và nói bập bẹ: “Sự tự do”.
Tuy nhiên, những cư dân mạng kỹ tính trên Twitter chỉ ra rằng câu chuyện này có nét giống với một câu chuyện được kể bởi nhà lãnh đạo dân quyền đã bị giết hại Martin Luther King Jr. trong cuộc phỏng vấn của ông với Alex Haley, được xuất bản bởi tạp chí Playboy cách đây hơn 5 thập kỷ.
Trong cuộc phỏng vấn, King đã chia sẻ với Haley về kinh nghiệm của ông khi dẫn dắt các cuộc biểu tình dân quyền ở miền Nam nước Mỹ. Ông nói trong buổi phỏng vấn: “Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút tại Birmingham, khi một cảnh sát da trắng bước đến và sử dụng ngôn từ hung bạo với một bé gái Negro, khoảng 7 hoặc 8 tuổi, đang đi biểu tình cùng mẹ của cháu. Vị cảnh sát hỏi một cách cục cằn: ‘Cháu muốn gì?’, và đứa bé nhìn thẳng vào mắt của hắn rồi đáp lại: ‘Sự tự do’. Con bé thậm chí còn không phát âm đúng từ đó, nhưng nó nhận thức được. Và điều đó thật tuyệt vời! Có nhiều khi tôi rơi vào những tình huống vô cùng thử thách, lúc ấy ký ức về đứa trẻ nhỏ bé đó lại hiện lên trong tâm trí tôi và khiến tôi sống lại”.
Tờ Daily Mail đã liên hệ với nhóm chuyển nhượng quyền hành của Joe Biden- Kamala Harris để đưa ra phản hồi.
Việc đạo văn, ăn cắp ý tưởng rõ ràng đã khiến Harris bị người dùng Twitter chế nhạo bằng những chiếc ảnh meme, khi bà được so sánh với nhân vật William Wallace của Mel Gibson trong bộ phim nổi tiếng Braveheart.
Donald Trump Jr, con trai cả của tổng thống, cũng chia sẻ trên Twitter: “Không ai sốc cả, và không ai trong giới truyền thông đại chúng nhận đưa tin về điều này”.
Tim Young chia sẻ: “Nếu Kamala sẵn sàng dối trá và ăn cắp câu chuyện về cuộc đời từ Martin Luther King thì có điều gì mà bà ấy không dám nói dối chứ?”
Bình luận viên John Cardillo đã chế nhạo Kamala Harris bằng cách chèn cụm từ ‘sự tự do’ theo cách nói bập bẹ của bà vào một câu nói nổi tiếng của cố Tổng thống Ronald Reagan: “Sự tự do không bao giờ tự tồn tại mãi được hơn một thế hệ”. Sau đó ông chèn tên của bà vào cuối câu như một cách móc mỉa rằng bà đã đạo nhái câu nói đó.
Một người dùng Twitter khác đã đăng tải hình ảnh Martin Luther King đưa tay đặt lên trán như để ám chỉ rằng đó là phản ứng của ông khi nghe được câu chuyện mà bà Harris kể.
Một ảnh meme khác đã ghép khuôn mặt của Kamala Harris lên nhân vật của Steve Carell trong The Office, Michael Scott.
Trong bức ảnh, nhân vật Scott đứng bên cạnh một bảng thông báo có viết một câu nói nổi tiếng của huyền thoại khúc côn cầu Wayne Gretzky: “Bạn sẽ lỡ 100% những cú đánh mà bạn không nhận lấy”, sau đó Scott ghi tên của anh dưới câu nói của Gretzky. Và trong tấm ảnh meme, tên của bà Harris được ghi ngay dưới phần tên của Michael Scott.
Một người dùng Twitter khác chỉ ra rằng, Joe Biden, người đã chọn Harris làm bạn tranh cử của mình, cũng bị buộc tội đạo văn.
Vào giai đoạn tranh cử Tổng thống của Đảng Dân chủ năm 1987, Joe Biden, khi đó vẫn đang là một Thượng nghị sĩ, đã có một bài phát biểu giống với một bài phát biểu của người đứng đầu Đảng Lao động Anh, Neil Kinnock cùng năm đó.
Trong một bài phát biểu tại Iowa, Biden đã không thừa nhận trích dẫn câu nói từ Kinnock, mặc dù ông có tham khảo qua những câu nói đó của Kinnock.
Joe Biden cuối cùng đã rút khỏi cuộc đua. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ cuối cùng thuộc về cựu Thống đốc bang Massachusetts Michael Dukakis, nhưng sau đó ông cũng thất bại trong cuộc đua tổng thống trước George H.W. Bush.
Trong những tháng gần đây, Harris thường kể về tầm quan trọng của phong trào dân quyền trong đời sống của gia đình bà.
Bà cho biết ba mẹ bà, Donald Harris và Shyamala Gopalan, đã gặp nhau lần đầu khi đang diễu hành biểu tình vào những năm 1960.
Ông Donald đã nhập cư từ Jamaica vào Hoa Kỳ, còn bà Gopalan đến từ Ấn Độ. Cả hai đều là học giả theo đuổi bằng cấp tại Đại học California, Berkeley.
Tháng 6, Kamala Harris chia sẻ trên Instagram của bà: “Bố mẹ tôi đã đi diễu hành cho phong trào dân quyền vào những năm 1960. Nhờ có họ và những người dân bước ra phố để đấu tranh vì công lý mà tôi mới có được ngày hôm nay. Họ vạch sẵn hướng đi cho tôi, khi tôi trở thành người phụ nữ da đen thứ hai từng được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ”.
Ngày 20/1 tới, Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức phó tổng thống Hoa Kỳ, sau khi Joe Biden tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Hoa Kỳ kế nhiệm.
Vị Thượng nghị sĩ từ tiểu bang California sẽ là người phụ nữ da màu đầu tiên giữ chức vụ có quyền hành cao thứ hai tại Mỹ.
Từ Thức