Tinh Hoa

K +: Độc quyền vẫn lỗ ngàn tỷ

năm ở Việt Nam, K +, hãng truyền hình liên doanh với Pháp nổi tiếng nhờ độc quyền phát sóng giải bóng đá ngoại hạng Anh luôn luôn lỗ và đến nay, đã âm 1.900 tỷ đồng. Liệu K+ có thực sự bên bờ vực phá sản, hay có ẩn khuất gì tương tự như chuyển giá hay không?


Lỗ gần 1.900 tỷ đồng

Từ khi đến Việt Nam năm 2009, truyền hình K + do Tập đoàn Canal+ của Pháp đầu tư 49% vốn luôn thể hiện đẳng cấp khác biệt.

Gói cước đắt đỏ nhưng hãng này vẫn luôn thu hút khách hàng mua dịch vụ. Thương hiệu K + xuất hiện đầy mới lạ, gây sốt trong giới hâm mô thể thao và trở thành thứ dịch vụ tiện ích không thể thiếu ở hầu khắp các quán cà phê, điều mà không hãng truyền hình nào trước đó làm được.

Liệu K+ có thực sự bên bờ vực phá sản, hay có ẩn khuất gì tương tự như chuyển giá hay không?

Cho đến nay, vẫn không một đài nào có thể địch nổi về số lượng giải bóng đá đang được phát trên K +, đặc biệt là quyền sở hữu bản quyền giải bóng đá ngoại hạng Anh với 380 trận đấu trong giờ vàng, kéo dài liên tục 3 năm 2013-2016.
Thế nhưng, đó là ánh hào quang bên ngoài!
Nói về hiệu quả kinh tế thì truyền hình K + đang thực sự ở tình cảnh đáng lo ngại.
Theo nguồn tin VietNamNet có được, năm 2014, K + lỗ ròng trước thuế 232,4 tỷ đồng. Trước đó, năm 2013, hãng này cũng đã lỗ 314,4 tỷ đồng.
Kết quả sau 5 năm có mặt ở Việt Nam là K + đã lỗ lũy kế tính đến 31/12/2014 là 1.896,3 tỷ đồng, tăng lỗ thêm 13% so với năm 2013.
Trong khi đó, vốn đầu tư của ông chủ K + gồm Đài truyền hình cáp Việt Nam và Tập đoàn truyền thông Canal + của Pháp bỏ ra chỉ là 344,5 tỷ đồng.
Khoản lỗ khủng trên giờ đã gấp 5,5 lần vốn đầu tư và nghiễm nhiên, khiến cho vốn chủ sở hữu ngày càng giảm. Tính đến hết năm 2014, hãng truyền hình trả tiền nổi tiếng này âm vốn chủ sở hữu tới 1.551,8 tỷ đồng, âm tiếp 17% so với năm trước.
Theo công ty kiểm toán, đó là dấu hiệu của việc mất vốn và nếu tiếp diễn, nhà đài này sẽ đứng trước nguy cơ phá sản, phải ngừng hoạt động trong tương lai. Cũng bởi thế, kể từ khi thành lập, K + chưa phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Điểm sáng sủa nhất ở hoạt động kinh doanh của K + có lẽ là doanh thu. Nhưng đây cũng là đầu mối của mọi nghi vấn khi doanh thu càng tăng thì càng lỗ nặng, càng mở rộng càng lỗ.
Bằng chứng là doanh thu vẫn tăng trưởng tích cực. Năm 2014, tổng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của K + đã đạt 1.232,6 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2013.
Trong đó, chỉ riêng việc thu tiền cước từ các thuê bao đã mang về cho nhà đài này 892 tỷ đồng, tăng tới 48% so với năm trước. Việc bán các thiết bị giãi mã sóng HD với giá cao cũng đã giúp K + gặt hái được 340,6 tỷ đồng, tăng 42%.
Thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông cho biết, có tới 40 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, 7,5 triệu thuê bao với doanh thu từ thuê bao là 6.000 tỷ đồng. Như vậy, riêng K + đã chiếm tới gần 14% số doanh thu trên.

Nguy cơ vỡ nợ?

Bức tranh tài chính của của K + còn tội tệ hơn, khi nhìn vào các khoản chi phí và nợ nần.
Cụ thể như, chi phí năm 2014 lên tới 1.374 tỷ đồng, Trong đó, hãng này đẩy mức giá vốn khá cao, lên tới 936 tỷ đồng, bằng 83% doanh thu thuần. Chi phí bán hàng năm 2014 cũng có tốc độ tăng chóng mặt, ở mức 278 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước và bằng 24% trong tổng doanh thu thuần.
Khoản chi phí tài chính của K + cũng khá lớn, tới hơn 101 tỷ đồng, bằng 9% doanh thu thuần, trong đó, chi phí lãi vay lên tới 78 tỷ đồng.

Mở rộng kinh doanh, tăng độc quyền và lỗ nặng.

Năm 2014, khoản vay nợ ngân hàng SHBC, ANZ và đối tác Canal của K + trong ngắn hạn đã lên tới 1.185 tỷ đồng, tăng 55% so với năm trước. Trong khi đó, tài sản tiền mặt lại quá ít, tính đến hết năm 2014, chỉ có 37 tỷ đồng.

Tổng nợ ngắn hạn trên của K + đã gấp 3 lần tài sản ngắn hạn và gấp 1,8 lần so với doanh thu, đồng thời, gấp 3,5 lần vốn đầu tư. Nói cách khác, K + đang vận hành trên một nền tảng tài chính quá mỏng, phụ thuộc ngân hàng và thấy rõ nguy cơ mất khả năng thanh toán trong trung và dài hạn.
Chưa kể, K + còn vướng ở vấn đề hàng tồn kho quá lớn. Đặc biệt, với đặc thù là phát sóng độc quyền giải ngoại hanh Anh 3 năm liền nên K + đang ôm hàng tồn kho bản quyền với giá trị hơn 168 tỷ đồng, chiếm tới 60% tổng số hàng tồn kho.
Theo đánh giá của chuyên gia về kiểm toán, có thể do hãng truyền hình này đã không phát triển thuê bao đạt kế hoạch, hoặc đơn giản hơn là hãng đã lập một bản kế hoạch phát triển thuê bao không chính xác, không lường trước được sự biến động của thị trường truyền hình trả tiền.
Cũng như trường hợp của nhiều thương hiệu nước ngoài khác bị xới xáo gần đây như bán lẻ Metro, bất động sản Keangnam…, câu hỏi tất yếu cho hầu hết công chúng là liệu, K + có chuyển giá hay không?
Chia sẻ với PV VietNamNet, ông Phạm Văn Niêm, Chuyên gia về kế toán của một ông ty về đầu tư chứng khoán bình luận: “Nhìn nhận khách quan thì chuyển giá có thể là hoạt động bình thường của một doanh nghiệp có vốn nước ngoài, bởi động cơ của họ trước tiên khi đến Việt Nam là lợi nhuận. Các doanh nghiệp này thường tìm cách giảm thiểu chi phí để tăng lợi nhuận, giảm tránh nghĩa vụ nộp thuế”.
“Tuy nhiên, cơ quan thuế sẽ phải xem xét kỹ doanh thu giữa các công ty liên kết, ở đây là Canal +, Truyền hình cáp Việt Nam, nhất là các hợp đồng hợp tác của công ty… thì mới có thể làm rõ các nghi vấn chuyển giá”, ông Niêm nói.
Dù vậy, lỗ, nợ lớn của K + như một chỉ số tương phản với những gì diễn ra trên thị trường truyền hình trả tiền.
Bộ TTTT đã từng đánh giá đây là thị trường đầy cạnh tranh hấp dẫn, với tổng các khoản thu lên tới 10.000 tỷ đồng/năm. Riêng tiền thuê bao đạt tới 150 triệu USD, nên lỗ là chuyện lạ.
Đặc biệt, với K +, gói cước không hề rẻ. Nếu trước đây, giá một đầu thu HD bị nhà đài hét tới 3,5 triệu đồng, sau đó giảm dần xuống 2 triệu đồng và sau đó, giảm tiếp còn 1,8 triệu đồng/tháng. Mức phí này gấp đôi đầu thu truyền hình số thông thường khác.
Cùng đó, K + cũng tăng cước khá lớn, trước đây chỉ có 85.000 đồng/tháng thì nay với gói HD, phí là tới 230.000 đồng/tháng và với SD là 95.000 đồng/tháng.
Năm 2013, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam phải “kiện” lên Chính phủ, fan cuồng bóng đá giăng biểu ngữ phản đối K+ vì đã mua bản quyền độc quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh liền 3 năm. Điều này ảnh hưởng lớn tới lợi ích của các hãng còn lại, tạo ra một cuộc cạnh tranh không cân xứng.

Phạm Huyền

Theo VietnamNet