Từ đêm ngày 24 đến ngày 25/3, dông lốc, mưa đá tiếp tục xuất hiện tại nhiều tỉnh thành như Lào Cai, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Điện Biên, Tuyên Quang,…làm hơn 3.000 nhà dân bị hư hỏng nặng. Trong những ngày gần đây đã có ít nhất 3 đợt mưa đá ở các tỉnh phía Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, các đợt: Ngày 17-18/3, ngày 21-22/3, ngày 24-25/3, đến nay thiệt hại về tài sản vẫn chưa thể thống kê hết.
Tại tỉnh Lai Châu: Theo báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, tính đến 20h30 tối ngày 25/3, tỉnh Lai Châu thiệt hại ước tính trên 11 tỷ đồng.
Tại huyện Tân Uyên thiệt hại nặng nhất, có 1.032 ngôi nhà tại địa phương này bị vỡ, thủng, tốc mái. Hơn một nửa trong số đó bị hư hỏng nặng 70-100%, hơn 46 ha chanh leo, lúa, ngô bị hư hỏng.
Tại tỉnh Lào Cai: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Lào Cai, từ đêm ngày 24 đến rạng sáng ngày 25/3, mưa to diện rộng kèm dông lốc ở TP Lào Cai và huyện Bảo Yên; riêng ở huyện Mường Khương, Văn Bàn, Bảo Thắng, TP. Lào Cai có nơi mưa to đến rất to, xảy ra mưa đá.
Tại tại thôn Móng Sến 1, xã Trung Chải, huyện Sa Pa, anh Giàng A Gà (25 tuổi), bị sét đánh chết khi đang trú tại “lán” trên nương.
Tại huyện Bảo Yên: Dông lốc, mưa đá làm 3 cây cầu bắc qua sông Chảy bị quật đứt. Trong đó, cầu Cóc – cây cầu treo dài 170m bắc qua sông Chảy, nối 2 xã Long Phúc và Việt Tiến bị đứt, đổ sập xuống sông. Rất may vụ việc xảy ra vào đêm khuya, không không gây thiệt hại về người.
Được biết, giữa năm 2019, UBND huyện Bảo Yên đã phê duyệt dự án sửa chữa cây cầu treo này, tổng kinh phí 1,6 tỷ đồng, mới hoàn thành được vài tháng thì cây cầu bị sập.
Mưa đá và dông lốc cũng làm 14 nhà dân bị tốc mái; 63 ha lúa, cây hoa màu bị hư hỏng; 3 công trình hạ tầng giao thông bị lũ cuốn trôi. Ước thiệt hại do mưa dông gây ra tại huyện Bảo Yên (Lào Cai) trên 8 tỷ đồng.
Tại huyện Mường Khương: Dông lốc, mưa đá khiến 10 nhà dân bị tốc mái; nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng.
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đến thời điểm 11 giờ ngày 25/3/2020, tình hình thiệt hại như sau:
Tổng số nhà ở bị thiệt hại là 319 nhà; trên 70 ha diện tích lúa bị thiệt hại; 123 ha diện tích ngô, rau màu bị thiệt hại bị ảnh hưởng; 90 ha cây ăn quả bị thiệt hại ở các huyện Văn Bàn, Bát Xát. Diện tích 3.000 m2 nhà lưới trồng rau an toàn công nghệ cao bị sập đổ tại huyện Bảo Yên; nhiều gia cầm bị cuốn trôi,…
Tại tỉnh Yên Bái: Theo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, tính đến chiều ngày 25/3, mưa đá và dông lốc đã làm 6 ngôi nhà bị tốc mái (trong đó huyện Văn Yên 5 nhà; huyện Lục Yên 1 nhà).
Tổng diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại là 66,8ha, trong đó có 12,8ha lúa của các huyện Trấn Yên, Văn Yên; 54ha ngô, rau màu của huyện Lục Yên. Ngoài ra, Nhà văn hóa thôn Bùn Dạo, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên bị hư hỏng nặng. Ước thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.
Tại tỉnh Tuyên Quang: Tính đến 18h ngày 25/3, mưa dông đã làm 81 nhà bị hư hỏng. Trong đó, 1 nhà sập hoàn toàn, 80 nhà bị tốc mái. Huyện Chiêm Hóa bị thiệt hại nặng nhất với 77 nhà bị hư hỏng; 14 ha lúa, ngô bị đổ gãy; 5 cột điện bị đổ. Ngoài ra còn một số công trình phụ trợ của người dân bị hư hại.
Tại tỉnh Bắc Kạn: Mưa đá, dông lốc khiến khiến huyện Ba Bể thiệt hại khoảng 200 triệu đồng.
Tại xã Khang Ninh đã có 04 nhà bị tốc mái, 04 nhà bị nước tràn vào nhà, 02 tấn xi măng bị thiệt hại; diện tích cây ngô bị ngập úng, lũ quét khoảng 36ha tại các xã Khang Ninh, Thượng Giáo, Cao Thượng, thị trấn Chợ Rã; diện tích lúa bị ngập úng, lũ quét khoảng 80ha tại các xã Khang Ninh, Thượng Giáo, Cao Thượng; diện tích hoa màu bị mưa đá làm hư hỏng khoảng 1ha tại xã Thượng Giáo.
Tại tỉnh Thanh Hóa: Khoảng 14h30 chiều 25/3, trên địa bàn 7 xã gồm: Tam Chung, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Mường Lý, Quang Chiểu, Mường Chanh, thuộc huyện Mường Lát bất ngờ xảy ra trận mưa đá kéo dài gần 1 giờ đồng hồ.
Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, ông Cao Văn Cường cho biết, những hạt đá to bằng quả trứng gà với mật độ dày đặc trút xuống khiến mái nhà, hoa màu của người dân trên địa bàn bị thiệt hại nặng.
Ngoài ra, sau cơn mưa đá, một trận giông kèm mưa lớn kéo dài gần 2 giờ đồng hồ đã xảy ra trên diện rộng tại huyện Mường Lát.
Tại tỉnh Sơn La: từ ngày 21 đến ngày 24/3, mưa đá, giông lốc xảy ra trên địa bàn các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Sốp Cộp, thành phố Sơn La của tỉnh Sơn La.
Theo báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La, mưa đá, giông lốc đã làm 1.236 ngôi nhà bị thiệt hại; 473 ha xoài, mơ, mận… bị rụng quả non, 4 ha lúa và 42 ha rau màu bị hư hỏng; 5 điểm trường bị ảnh hưởng; 227m kênh mương bị sạt lở vùi lấp và 8 lồng cá bị ảnh hưởng.
Tại huyện Mộc Châu, mưa đá làm thiệt hại khoảng 380ha sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là các loại rau màu, cây ăn trái như mơ, mận, bơ.
Tại huyện Mai Sơn, mưa lớn kèm theo gió lốc, mưa đá làm 233 hộ bị ảnh hưởng. Tại xã Chiềng Mai, có 9 hộ bị tốc mái hoàn toàn, 166 hộ bị tốc mái dưới 50%. Xã Chiềng Ban có 2 hộ bị thiệt hại khoảng 40%.
Trước đó, vào tối ngày 2/3 đến sáng ngày 3/3, tại các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng và Sơn La đã xảy ra mưa đá, sét, dông lốc, sạt lở đá làm 3 người chết, 17 người bị thương, 351 nhà bị sập, 5.218 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 22 điểm trường bị hư hỏng và hơn 1.300ha (lúa, cây ăn quả, hoa mau, cây lâu năm…) bị thiệt hại.
Vào ngày 17/3, mưa đá lại tiếp tục xuất hiện tại 4 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Phú Thọ. Ước tính thiệt hại ban đầu, hơn 2.200 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái; 870 ha hoa màu bị thiệt hại
Gần đây nhất, vào ngày 21-22/3, dông, lốc, mưa đá tại các tỉnh Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên và Nghệ An đã làm sập đổ 05 nhà; hư hại, tốc mái 441 nhà, 1.359 ha lúa và hoa màu bị ảnh hưởng. Tổng thiệt hại ban đầu vào khoảng 2,463 tỷ đồng.
Từ Nguyên (t/h)