Tại vùng nước nông phía Bắc Israel, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một con tàu đắm lớn hơn 1.200 năm tuổi, chứa một số lượng lớn đặc sản Địa Trung Hải, cho thấy hoạt động trao đổi thương mại sôi động trong một thời kỳ cụ thể.
Có thể là do một cơn bão ập đến, hoặc sự thiếu kinh nghiệm của thuyền trưởng đã khiến con tàu buôn làm bằng cây linh sam và cây hạch đào bị chìm cách đây hơn 1.200 năm ở vùng nước nông gần Magen Michael, miền Bắc Israel ngày nay.
Theo các nhà khảo cổ, xác tàu là loại lớn nhất từng được tìm thấy, với thân tàu dài 20m và rộng 5m. Sau khi hút sạch khoảng 1,5m cát từ boong tàu bằng máy hút bụi dưới nước, hơn 200 amphora (loại bình chứa có 2 quai) được tìm thấy, bên trong chứa nhiều nguyên liệu nấu ăn thường gặp ở Địa Trung Hải, chẳng hạn như nước mắm, ô liu, táo và các loại hoa quả khác.
Các vật dụng trên tàu cho thấy con tàu đã được neo đậu ở nhiều nơi khác nhau trên Địa Trung Hải, bao gồm cả khu vực ngày nay là Síp, Ai Cập, và có lẽ cả Thổ Nhĩ Kỳ, cũng có thể cả Bắc Phi. Một số lô hàng mang biểu tượng của Nhà thờ Byzantine Cơ đốc giáo, những lô hàng khác được viết bằng tiếng Ả Rập.
Các nhà khảo cổ cho biết con tàu có niên đại từ thế kỷ thứ 7 hoặc thứ 8 và sự hiện diện của nó có thể thay đổi hiểu biết của mọi người về lịch sử.
Deborah Kwicker, nhà khảo cổ học hàng hải tại Đại học Haifa cho biết: “Nếu chúng ta nhìn vào sử sách, họ thường nói với chúng ta rằng trong thời kỳ này, sau khi quyền cai trị của Byzantine đối với khu vực (Đông Địa Trung Hải) suy yếu. Sau khi quyền lực Hồi giáo nổi lên, thương mại gần như ngừng lại, không có thương mại quốc tế ở Địa Trung Hải, chỉ có một số tàu nhỏ hơn đi dọc theo bờ biển”. Nhưng bây giờ xem ra, tính huống không phải là như vậy.
Deborah Kwicker nói tiếp: “Có một xác tàu lớn ở đây, chúng tôi nghĩ rằng con tàu ban đầu dài khoảng 25m, và nó chở đầy hàng từ khắp nơi đến Địa Trung Hải.”
Trong tương lai, các nhà khảo cổ hy vọng sẽ tìm được một nơi để giới thiệu đầy đủ về con tàu trước công chúng.
Tử Vi (Theo NTDTV)