Vào ngày 17/5, Quốc hội Israel đã phê chuẩn ông Benjamin Netanyahu làm Thủ tướng Chính phủ thống nhất mới, chấm dứt hơn 508 ngày bế tắc chính trị của nước này. Tuy nhiên ông Netanyahu vẫn sẽ phải đối mặt với một phiên tòa vì các cáo buộc tham nhũng, theo The Straits Times.
Thỏa thuận chia sẻ quyền lực với cựu đối thủ, nhà lãnh đạo đảng liên minh Blue and White, Benny Gantz, đang mở đường cho phe cánh hữu của ông Netanyahu tiến tới một cuộc sáp nhập các phần của Bờ Tây đang bị chiếm đóng, vùng đất đang có người Palestine sinh sống.
Theo thỏa thuận sau ba cuộc bầu cử không có hồi kết, ông Netanyahu sẽ giữ chức thủ tướng trong 18 tháng và sẽ nhường ghế lại cho “đối thủ cũ” Benny Gantz.
Ông Gantz, cựu lãnh đạo lực lượng vũ trang, sẽ là bộ trưởng quốc phòng trong thời gian ông Netanyahu nắm giữ chức thủ tướng. Đến ngày 17/11/2021, ông Netanyahu và ông Gantz sẽ hoán đổi vị trí cho nhau.
Bằng cách giả định rằng một khi trao lại ghế thủ tướng cho ông Gantz, ông Netanyahu hy vọng sẽ không phải từ chức khỏi chính phủ theo pháp lý cho phép tiếp tục tại vị ngay cả khi bị buộc tội.
Ông Netanyahu, 70 tuổi, hiện là nhà lãnh đạo phục vụ lâu nhất của Israel. Ông bắt đầu lên nắm quyền vào năm 1996 và đã phục vụ ba nhiệm kỳ liên tiếp kể từ năm 2009. Ông ra tòa vào ngày 24/5 với cáo buộc hối lộ, vi phạm lòng tin và lừa đảo. Ông đã phủ nhận hết thảy mọi cáo buộc.
“Người dân muốn có sự thống nhất, và đó là những gì họ đã đạt được,” ông Netanyahu nói với Nghị viện, với lý do mong muốn tránh xa cuộc bầu cử lần thứ tư và sự cần thiết của một cuộc chiến quốc gia chống lại cuộc khủng hoảng do virus Corona.
Trong bài phát biểu trước cơ quan lập pháp, ông Gantz, tuyên bố: “Cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong lịch sử Israel đã kết thúc.”
Các nhà lập pháp đã phê chuẩn chính quyền mới với tỷ lệ 73 phiếu thuận và 46 phiếu chống.
Giờ đây, ông Netanyahu có thể thúc đẩy kế hoạch mở rộng chủ quyền của Israel đối với các khu định cư Do Thái và Thung lũng Jordan ở Bờ Tây bị chiếm đóng, lãnh thổ mà Palestine muốn có nhà nước độc lập của riêng họ.
“Những vùng đất này là nơi quốc gia Do Thái được sinh ra và vươn lên. Đã đến lúc áp dụng luật pháp Israel vào chúng và viết nên một chương tuyệt vời khác trong biên niên sử của chủ nghĩa Zion (Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái),” ông nói.
Nhưng trong kế hoạch lấy ngày 1/7 làm điểm khởi đầu cho các cuộc thảo luận của Nội các về vấn đề không ổn định này, thì không có thời gian công khai phê duyệt việc sáp nhập đất đai mà Israel chiếm được trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967.
Người Palestine đã phản đối kịch liệt động thái sáp nhập đất đai này, đồng thời kêu gọi các biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Israel để đáp trả. Việc sáp nhập chắc chắn sẽ tạo thêm căng thẳng ở Bờ Tây và khu vực thuộc dải Gaza, có khả năng kích động bạo lực chống lại Israel.
“Các vị trí thuộc địa và bành trướng này lại một lần nữa khẳng định sự thù hằn về ý thức hệ đối với hòa bình của ông Netanyahu,” Bộ Ngoại giao Palestine nói trong một tuyên bố.
Thiện Thành (Theo The Straits Times)