Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm nhẹ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay và năm tới, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế Nhật Bản, Mỹ Latinh và châu Âu tiến chậm, theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố Thứ Ba (7/10).
IMF cắt giảm lần lượt 0,1 và 0,2 điểm phần trăm đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn tương ứng 3,3% và 3,8% năm nay và năm sau.
Tổ chức cho vay toàn cầu đã lạc quan hơn về kinh tế Mỹ khi dự kiến tăng trưởng năm nay của Hoa Kỳ là 2,2%, cao hơn so với 1,7% trong dự báo trước, đồng thời giữa nguyên dự báo 3,1% cho năm 2015.
Tuy nhiên IMF cũng cảnh báo, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản có thể sẽ tăng trưởng chậm trong nhiều năm, trừ khi chính phủ thực hiện giải pháp khuyến khích phát triển. Tổ chức cũng thừa nhận đã liên tục hạ dự báo trong nhiều năm qua, một phần nguyên nhân do các nền kinh tế tiên tiến tăng trưởng chậm lại trong dài hạn.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF nhận định, “Nền kinh tế thế giới đang tiếp tục phục hồi, nhưng yếu và không đồng đều”.
Ông Blanchard cũng cảnh báo, lãi suất thấp khiến giới đầu tư tại các nền kinh tế phát triển trở nên “quá tự mãn”, đặc biệt là khi vấn đề lãi suất ở Hoa Kỳ chưa ổn định. Điều này có thể dẫn đến tình trạng trượt dốc không phanh trên các thị trường tài chính, đặc biệt nếu lãi suất tăng nhanh hơn dự kiến.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng chịu ảnh hưởng từ vấn đề bất ổn ở Ukraine và Trung Đông mặc dù tác động kinh tế hiện nay giới hạn trong phạm vi các nước liên quan.
IMF cũng dự báo kinh tế của Nga sẽ gần như ngưng trệ bởi những lệnh trừng phạt và sự mất niềm tin của giới đầu tư quốc tế.
Theo đánh giá của IMF, mức tăng trưởng của 18 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro sẽ chậm lại còn 0,8% trong năm nay, giảm xuống từ mức 1,1% so với dự báo tháng 7.
Đồng thời, tăng trưởng năm 2015 của khu vực cũng bị hạ từ 1,5% xuống còn 1,3%.
Kinh tế Nhật Bản sẽ chỉ tiến 0,9% trong năm 2014, giảm so với 1,6% dự kiến trước đó. Năm 2015, kinh tế Nhật sẽ trượt xuống mức 0,8%, thấp hơn dự báo 1% hồi tháng 7. Nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã chững lại kể từ khi kế hoạch tăng thuế tiêu thụ có hiệu lực đầu năm nay.
Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay và năm sau được IMF giữ nguyên, lần lượt là 7,4% và 7,1%. Trong khi tỉ lệ này khá cao đối với hầu hết các quốc gia, nhưng lại là mức tăng trường chậm nhất của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
Quỹ cũng cắt giảm mạnh mức dự báo cho khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribbean trong năm nay và năm sau tương ứng xuống còn 1,3% và 2,2%, thấp hơn dự báo 2% và 2,6% từ tháng 7. Các con số phản ánh phần lớn sự yếu kém của kinh tế Brazil.
Báo cáo được phát hành trước cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra tại Wshington cuối tuần này.
IMF kêu gọi Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản duy trì mức lãi suất thấp để thúc đẩy cho vay, chi tiêu và tăng trưởng.
Qũy khuyến cáo, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nên xem xét việc mua trái phiếu chính phủ trong trường hợp cần thiết để tránh giảm phát. Qũy còn cho biết thêm, Mỹ và EU sẽ hưởng lợi từ kế hoạch hạn chế tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trong năm 2014 so với những năm trước.
Báo cáo dự đoán, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hoãn tăng lãi suất cho đến giữa năm tới.
Tuy nhiên, dân số già và năng suất thấp có nguy cơ khiến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của các nền kinh tế phát triển suy giảm, kể cả Mỹ, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản.
Cách giải quyết tốt nhất là nên xem xét chi tiêu nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng, giáo dục và đào tạo nghề, IMF khuyến cáo.
Thiên Hà, Hồ Duyên – Theo Yahoo News