Khi tính toán GDP dựa trên phương pháp ngang giá sức mua (PPP), IMF kết luận, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà báo Chris Giles của tờ Financial Times là người đầu tiên đề cập đến điều này. Hồi tháng 4, ông đã cảnh báo Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phương pháp ngang giá sức mua (PPP) đã được nhìn nhận là cách tốt nhất để so sánh quy mô các nền kinh tế thay vì sử dụng tỷ giá hối đoái vốn biến động mạnh và không phản ánh hết giá trị thực của hàng hóa dịch vụ.
Điểm mấu chốt của phương pháp tính GDP theo ngang giá sức mua là lập luận cho rằng giá cả ở các quốc gia là khác nhau. Một chiếc áo ở Thượng Hải sẽ có giá rẻ hơn so với một chiếc áo y hệt ở San Francisco, bởi vậy sẽ không hợp lý khi so sánh GDP của các nước mà không tính đến vấn đề này. Mặc dù một người Trung Quốc kiếm được ít tiền hơn so với một người Mỹ, động tác đơn giản là chuyển lương ở Trung Quốc sang đơn vị tính USD sẽ không thể đánh giá hết sức mua của người dân và cả Trung Quốc.
Chỉ số Big Mac Index của tạp chí The Economist là một ví dụ xác đáng cho lập luận này.
Bởi vậy, IMF đã bổ sung thêm chỉ số GDP tính theo phương pháp ngang giá sức mua bên cạnh chỉ số GDP chuyển đổi theo tỷ giá. Nếu tính theo phương pháp PPP, Trung Quốc đã vượt Mỹ. Tính đến cuối năm 2014, Trung Quốc sẽ đóng góp 16,48% GDP thế giới (tương đương 17.632 tỷ USD, theo PPP), trong khi Mỹ chỉ chiếm 16,28% (tương đương 17.416 tỷ USD, theo PPP).
Còn tính theo phương pháp thông thường không điều chỉnh theo PPP, quy mô kinh tế Trung Quốc kém 6.500 tỷ USD so với kinh tế Mỹ.
Theo CafeF, Infonet