Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mới đây đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc xuống mức 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016. Tuy nhiên, chính nhờ vào sự giảm tốc này, mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam lại tăng lên. Nguyên nhân nào dẫn đến nhận định đó?
Tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm còn 6,3% vào năm 2016
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (REO) mới công bố, IMF dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ mức 7,4% năm 2014 xuống còn 6,8% năm 2015 và 6,3% năm 2016.
So với báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO) công bố hồi tháng 10/2014, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc đi 0,3 điểm phần trăm cho năm nay và 0,5 điểm phần trăm cho năm tới.
Trong báo cáo REO công bố hồi tháng 4/2014, IMF cho rằng nếu GDP của Trung Quốc giảm 1 điểm phần trăm, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế Châu Á khác sẽ giảm bình quân 0,3 điểm phần trăm trong năm sau đó (và giảm 0,4 điểm phần trăm đối với các nước ASEAN-4).
Điều này được cho là do Trung Quốc là nền kinh tế có quy mô khổng lồ, có mối liên hệ lớn về thương mại và tài chính với các nền kinh tế khác. Kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ tác động đặc biệt mạnh đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất nhập khẩu với cường quốc Châu Á này.
Một loạt các quốc gia và vùng lãnh thổ khác cũng bị IMF hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2015 như Australia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myamar và Thái Lan.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia được nâng dự báo tăng trưởng. Trong báo cáo này, IMF nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6% trong năm 2015 và 5,8% trong năm 2016, tăng lần lượt 0,4 điểm và 0,1 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 10/2014.
Trung Quốc sẽ tăng trưởng bền vững hơn
Báo cáo của IMF cho rằng sau 3 thập kỷ tăng trưởng mạnh, Trung Quốc giờ đây đang tăng chậm lại do nước này tiếp tục tái cân bằng nền kinh tế.
Kinh tế giảm tốc một phần là do vấn đề cơ cấu liên quan đến những cải cách đang được thực hiện. Để đối phó với tình trạng nhu cầu từ bên ngoài đang giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc tập trung thực hiện các chính sách khích lệ đầu tư dựa vào tín dụng. Điều này đã tạo ra sự bùng nổ của hoạt động xây dựng nhà đất và đẩy tỷ lệ nợ/GDP từ 100% năm 2007 lên hơn 200% vào năm 2014.
Kết quả, số lượng nhà không bán được ngày càng tăng, kéo theo các nguyên vật liệu liên quan đến xây dựng và các sản phẩm trung gian cũng bị ế ẩm. Cùng với đó việc tốc độ tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) liên tục giảm do sự phân bổ đầu tư kém hiệu quả.
Vì vậy, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Trung Quốc đã giảm xuống dù nước này vẫn là một nước có thu nhập trung bình trong khi rủi ro trong ngành bất động sản và tín dụng tăng lên.
Giờ đây, Trung Quốc đang thực hiện tái cân đối lại nền kinh tế để phụ thuộc ít hơn vào cầu từ bên ngoài và phụ thuộc nhiều hơn vào cầu trong nước.
Ông Sanjay Kalra, đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam, đánh giá việc tăng trưởng chậm lại này của Trung Quốc lại là một vấn đề tích cực chứ không phải tiêu cực, bởi chậm hơn nghĩa là bền vững hơn.
“Tốc độ tăng trưởng 6,5% năm nay và 6,3% năm tới không phải là thấp, đặc biệt với một nền kinh tế mà quy mô của nó lớn như Trung Quốc, với điều kiện là tốc độ tăng trưởng đó phải đi kèm với tái cơ cấu nền kinh tế, từ việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu sang phụ thuộc vào cầu nội địa”, ông Sanjay chia sẻ quan điểm với phóng viên Người Đồng Hành.
“Nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế này được duy trì và bền vững trong nhiều năm nữa, thì hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo ngại. Điều đó sẽ tốt cho Trung Quốc và cho các nền kinh tế khác”, ông nói.
Tác động đối với Việt Nam: Nghiêng theo hướng tích cực.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng chậm lại nhưng theo hướng bền vững được dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực đối với Việt Nam.
Theo đại diện của IMF, nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại ở mức bền vững, và chất lượng của tăng trưởng là tốt, thì lạm phát sẽ ở mức thấp và ổn định.
“Nếu như vậy, nó sẽ tác động đến những nước nào phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc, mà lạm phát tại Trung Quốc lại thấp thì Việt Nam sẽ được lợi”, ông Sanjay đánh giá.
Ngoài ra, việc tái cơ cấu sẽ khiến Trung Quốc phụ thuộc ít hơn vào đầu tư và phụ thuộc nhiều hơn vào tiêu dùng, người dân Trung Quốc sẽ tiêu dùng nhiều hơn. Và do nước này tiêu dùng nhiều mặt hàng thô của Việt Nam nên xuất khẩu của Việt Nam cũng sẽ hưởng lợi.
Như vậy, Việt Nam sẽ được lợi cả về xuất khẩu sang Trung Quốc cũng như nhập khẩu từ nước láng giềng này.
Cũng cần lưu ý là Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất-nhập khẩu song phương năm 2014 đạt 58,8 tỷ USD, trong đó Việt Nam đã chi mức kỷ lục 43,87 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Theo NĐH