Trong cuộc họp vừa kết thúc cách đây ít giờ, lãnh đạo châu Âu đã ra tối hậu thư cho Hy Lạp, yêu cầu nước này trình kế hoạch trả nợ mới trong48 giờ tới, trước khi phiên họp toàn thể EU diễn ra vào cuối tuần định đoạt số phận của Athens.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk khẳng định, giờ là “thời khắc gay go nhất trong lịch sử Eurozone”. “Thời hạn chót cuối cùng là tuần này”, ông Tusk cho biết sau các cuộc họp khẩn tại Brussels.
Trước cuộc họp, lãnh đạo các nước thành viên Eurozone đã mong đợi Hy Lạp đệ trình các kế hoạch mới sau khi các cử tri nước này hôm 5/7 đã bác bỏ các đề xuất từ phía chủ nợ. Tuy nhiên, Athens đã không đưa ra đề xuất mới nào.
Theo BBC, trong phiên họp vừa kết thúc, tối hậu thư đã được gửi tới Athens. Theo đó, chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras sẽ phải chấp nhận một thỏa thuận nào đó, hoặc Hy Lạp và các ngân hàng nước này sẽ phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ trong ngày Thứ Hai (13/7) tới.
Phát biểu tại buổi họp báo khuya ngày 7/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tin rằng việc Hy Lạp phá sản và hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ sẽ ảnh hưởng tới cả châu Âu. Bất kỳ ai có suy nghĩ khác đi đều là những kẻ ngây thơ, ông Tusk nói.
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định: “Đây không chỉ là vấn đề của Hy Lạp. Đây là tương lai của Liên minh châu Âu”.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp nói, ông muốn “một thỏa thuận công bằng xã hội và khả thi về mặt kinh tế”. “Tiến trình sẽ diễn ra nhanh chóng. Mọi việc sẽ bắt đầu trong vài giờ tới với mục tiêu chốt lại chậm nhất trước cuối tuần này”.
Ông Tsipras sẽ phát biểu trước nghị viện châu Âu trong ngày 8/7, còn các đề xuất của nước này sẽ được các Bộ trưởng tài chính châu Âu thảo luận trong ngày Thứ Bảy (11/7).
Chủ nhật tới (12/7), một phiên họp toàn thể 28 thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra, định đoạt số phận của Athens.
Trong ngày 7/7, các ngân hàng Hy Lạp vẫn tiếp tục đóng cửa, và theo tờ Telegraph của Anh, tình trạng này sẽ còn tiếp diễn ít nhất 2 ngày nữa.
Một tín hiệu tích cực đó là ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã xác nhận sẽ làm tất cả những gì cần thiết để giúp các ngân hàng Hy Lạp trụ vững cho đến ngày 12/7, khi phiên họp thượng đỉnh EU diễn ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết.
Nếu không được nhận các khoản cứu trợ khẩn cấp mới, trong vòng 12 ngày tới, Hy Lạp sẽ không thể hoàn trả khoản vay 4,2 tỷ Euro vay từ ECB, đồng nghĩa với việc phải rời Eurozone.
Theo Dân Trí