Tinh Hoa

Hủy thỏa thuận với Trung Quốc, Nepal tự xây thủy điện 

Tập đoàn điện lực Nepal sẽ nhận trọng trách xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất nước này sau khi chính phủ hủy bỏ thỏa thuận trị giá 2,5 tỉ USD với nhà thầu Trung Quốc.

Bản vẽ phối cảnh dự án thủy điện Budhi Gangaki. (Ảnh: Kathmandu Post)

Theo hãng tin Reuters, thông tin trên vừa được một quan chức Nepal công bố ngày 26/11. Theo đó, Chính phủ quốc gia nằm ở dãy núi Himalaya này đã hủy một thỏa thuận trị giá 2,5 tỷ USD với công ty Trung Quốc có tên China Gezhouba Group Corp và sẽ tự mình xây đập thủy điện Budhi Gangaki.

Vị quan chức cho biết, nguyên nhân dẫn tới việc hủy hợp đồng với đối tác Trung Quốc là do các sai sót trong quá trình giao thầu.

“Nội các đã quyết định giao cho Cơ quan Điện lực Nepal (NEA) phát triển nhà máy thủy điện này”, ông Pushkar Dhungel, trợ lý của Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Năng lượng Nepal, ông Karmal Thapa, nói với Reuters.

Bên cạnh đó, Chính phủ Nepal cũng đã thành lập một ủy ban nhằm huy động vốn cho dự án. Bộ Năng lượng Nepal dự kiến nhà máy thủy điện này sẽ sẵn sàng đi vào hoạt động sau 8 năm.

Tuy nhiên, phe đối lập tại Nepal nói họ sẽ giao lại dự án cho phía Trung Quốc nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử bắt đầu hôm 26/11. Dự kiến kết quả bầu cử sẽ được công bố trong tháng tới sau vòng bỏ phiếu thứ 2 diễn ra ngày 7/12.

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều muốn tạo ảnh hưởng tại Nepal thông qua các dự án hạ tầng. Ngay sau khi thỏa thuận với Gezhouba bị hủy, công ty năng lượng nhà nước của Ấn Độ NHPC đã bày tỏ ý định giành lấy dự án Budhi Gangaki.

Bắt nguồn từ dãy Himalaya, những con sông của Nepal có tiềm năng rất lớn còn chưa được khai thác về thủy điện. Tuy nhiên, do thiếu vốn và công nghệ, nước này phải phụ thuộc vào Ấn Độ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện 1.400 MW mỗi năm.

Dự án 2,5 tỷ USD vừa bị hủy thỏa thuận với phía Trung Quốc thuộc khuôn khổ sáng kiến “con đường tơ lụa” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mới đây, Trung Quốc cũng bị loại khỏi dự án xây dựng đập thủy điện trị giá 14 tỷ USD tại Pakistan do đưa ra những điều kiện ngặt nghèo bị coi là đi ngược lại lợi ích của nước chủ nhà.

Hồng Liên t/h