Trong suốt thời kỳ Phục hưng, bạn có thể xem tiểu sử của ai đó và mang nó trong túi dưới dạng huy chương chân dung. Chúng từng là những vật dụng cần thiết của con người thời đó, và hiện đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của con người ngày nay.
Những tấm huy chương này đại diện cho tính cách, đặc tính và các sự kiện đáng nhớ trong cuộc đời của chủ nhân.
Một loạt sơ lược tiểu sử và mối tương quan trong quá khứ có thể được tìm thấy tại buổi triển lãm bộ sưu tập đặc biệt The Frick: ”Theo đuổi sự bất diệt: Những kiệt tác từ bộ sưu tập huy chương chân dung của Scher” .
Khoảng năm 1438, nghệ sĩ Phục hưng người Ý Pisanello là người mở đầu cho loại hình nghệ thuật này. Trong chiếc huy chương đầu tiên của ông, chúng ta thấy 1 mặt là hình ảnh của quốc vương Byzantium, còn mặt kia là cảnh ông đang cưỡi trên lưng ngựa.
Thoạt nhìn, huy chương chân dung có thể bị lẫn lộn với những đồng xu, nhưng khi càng nhìn lâu, bạn sẽ thấy nó càng trở nên thu hút. Thay vì đại diện cho một giá trị tiền tệ, huy chương chân dung mang theo những giá trị xã hội cho cả những người nổi tiếng và người bình thường.
Khi các đồ vật riêng tư được trưng bày trước công chúng
Lần đầu tiên nhà sử gia về nghệ thuật Stephen K. Scher cầm trên tay một chiếc huy chương chân dung là khi ông còn làm sinh viên đến thăm thành phố Florence nước Ý. “Tôi cảm thấy mối liên hệ trực tiếp về tinh thần với các nhân vật trong tác phẩm và thời đại của họ, cảm giác kinh ngạc trỗi lên khi tôi nhìn vào loại hình nghệ thuật làm ra nó. Khoảnh khắc đó thật kỳ diệu”, ông nói trong một bài diễn thuyết tại The Frick vào ngày 10/5.
Scher là nhà sưu tập cá nhân quan trọng nhất của thế giới về huy chương chân dung và cũng là một học giả trong lĩnh vực này. Ông và người vợ Janie Woo Scher đã đưa ra một số lượng đáng kể huy chương trong bộ sưu tập của họ tại The Frick, trong đợt thu thập huy chương lớn nhất của viện bảo tàng này. Do đó, bảo tàng dự định trở thành một trung tâm nghiên cứu về huy chương chân dung và tạo ra một phòng trưng bày đặc biệt cho bộ sưu tập.
“Đó là một sự kết hợp hoàn hảo cho chúng tôi”, Ian Warropper, giám đốc của The Frick cho biết. Những tấm huy chương chất lượng tuyệt vời của Scher đã bổ sung cho bộ sưu tập chính của The Frick bên cạnh tượng đồng, tượng nhỏ, tượng bán thân và tranh in, chúng được trưng bày cùng với các huy chương trong triển lãm.
Ví dụ, huy chương miêu tả Albrecht Dürer (1471-1578), một trong những nhà đồ họa nổi tiếng nhất Châu Âu, được trưng bày bên cạnh một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, “Adam và Eva” (1504). Hay một bức tượng bằng đá cẩm thạch của vua Louis XV khi ông lên 6 được trưng bày đối diện với tấm huy chương tưởng niệm nhà điêu khắc Antoine Coysevox (1640-1720).
Mặt trái của tấm huy chương miêu tả chính tác phẩm chạm khắc chân dung của vị vua Pháp. Coysevox đã sản xuất bốn bức tượng chân dung bằng đá cẩm thạch sau khi vua Louis XV qua đời.
Thật không dễ dàng gì để các hội viên quyết định chọn ra 137 huy chương tốt nhất trong khoảng hơn 1.000 chiếc từ bộ sưu tập của Scher. Aimee Ng, phụ trách các hội viên tại bảo tàng The Frick, người đồng giám sát triển lãm với Scher cho biết: “Những gì bạn thấy ở đây là những lựa chọn mà chúng tôi đã phải đổ rất nhiều mồ hôi và công sức“.
Việc trưng bày những tấm huy chương cho công chúng thực sự là 1 thử thách vì chúng thường là các món đồ nhỏ, có ý nghĩa và được lưu giữ trong một nhóm những người bạn,… The Frick đã trải qua rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra giải pháp tốt nhất để công khai những vật thể riêng tư này.
Người xem có thể nhìn thấy cả hai mặt của tác phẩm, nó được đặt bên trong lớp thủy tinh để hạn chế phản xạ càng nhiều càng tốt. Một thanh trục gắn liền hai bên của huy chương có thể xoay tròn, cho phép người xem ngắm tác phẩm khi họ xoay nó.
Một bản sao ưa thích của Scher đó là chân dung quý tộc Cecilia Gonzaga, tấm huy chương thể hiện sự trinh khiết. “Cecilia Gonzaga đã chọn vào một tu viện thay vì kết hôn với người được chỉ định. Tấm huy chương này là để tán dương sự trinh khiết của bà. Tấm huy chương được khắc hình ảnh người phụ nữ đi kèm với 1 con kỳ lân bị khuất phục. Theo truyền thống Trung Cổ, những loài vật hung dữ chỉ có thể được thuần hóa bởi các trinh nữ”, Ng nói.
Mong muốn bất tử
Những tác phẩm điêu khắc nhỏ bé này có thể không nhất thiết được xem là tác phẩm nghệ thuật vì nó vẫn còn có 1 chức năng khác liên quan đến các giải thưởng. Chúng nhỏ như những đồng xu và đôi khi được sử dụng làm mặt dây chuyền. Hoặc nếu lớn cỡ 1 chiếc đĩa nhựa, người ta có thể treo chúng trên tường như một bức chân dung.
Huy chương chân dung mô tả quan điểm mới về từng cá nhân được sản sinh trong suốt thời kỳ Phục Hưng. Người ta không còn suy ngẫm quá nhiều về thế giới bên kia như họ đã làm vào thời kỳ Trung Cổ trước đó, thay vào đó họ ca tụng nhiều hơn những thành tựu trong suốt cuộc đời. “Điều đó đã dẫn đến việc phát minh ra tiểu sử cá nhân, chân dung và những tấm huy chương”, Scher cho biết.
Huy chương được tạo ra để đáp ứng mong muốn về sự bất tử của cả nam giới và phụ nữ, tên tuổi họ sẽ không còn bị cuốn đi theo dòng chảy của lịch sử. “Họ ca tụng quyền lực, sắc đẹp, thành công, thành tựu trí tuệ, tình trạng gia đình và sự liên kết qua các triều đại, lòng can đảm, những đức tính đáng quý, niềm tin tôn giáo và triết học, những sự kiện quan trọng trong cuộc đời và cả cái chết”, Scher nói.
Tất cả những thông tin dồi dào này được “nén lại một cách rõ ràng bằng ký hiệu, biểu tượng hay lối diễn đạt ngụ ý nào đó” lên mặt của tấm huy chương để có thể dễ dàng mang theo và nhân rộng thêm nhiều bản.
Từ thời Phục hưng đến thế kỷ 20, huy chương chân dung càng đa dạng về phong cách và lan rộng sang các khu vực khác của Châu Âu. Trong khi các huy chương ở Ý được lý tưởng hóa theo phong cách cổ điển, thì ở Đức, các nghệ sỹ đã rất quan tâm đến việc mô tả hình ảnh của nhân vật chính ở tư thế ngồi và đưa ra nhiều thông tin hơn ở mặt còn lại tấmm huy chương.
Pháp là quê hương của Guillaume Dupré, người đoạt giải nghệ nhân huy chương được yêu thích nhất Châu Âu, ông cũng là người điêu khắc cho vua Henri IV. Trong suốt thời kỳ Hoàng kim tại Hà Lan, người ta đã tạo ra nhiều huy chương mô tả cuộc đấu tranh giành độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Tại Anh, các huy chương chân dung xuất hiện muộn hơn, vào thế kỷ 18. Họ sử dụng phương pháp in nổi thay vì đúc, các huy chương này ít nổi bật hơn các huy chương ở châu Âu. Ở Mỹ, Benjamin Franklin đã cho sản xuất huy chương “Libertas Americana” để cảm ơn người Pháp về vai trò của họ trong cuộc Chiến tranh giành Độc lập.
Một số huy chương được trưng bày là những mẫu đã được làm sẵn cho các dịp và mục đích khác nhau, chúng được bày trong một cửa hiệu và được cá nhân hóa để trở thành huy chương riêng của người mua.
Hoàng An biên dịch